Nông dân huyện đảo Lý Sơn đang phân loại tỏi khô. Ảnh: Thanh Long - TTXVN |
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều năm gần đây, một số chủ kinh doanh, sản xuất lợi dụng thương hiệu này để gắn nhãn mác lên các loại tỏi khác mà không có xuất xứ từ Lý Sơn gây bức xúc cho người mua và dư luận. Tình trạng "chở tỏi về vương quốc tỏi" đang ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu tỏi Lý Sơn. Cụ thể, trong tháng 3, các lực lượng chức năng tại huyện đảo Lý Sơn đã phát hiện 3 bưu kiện bên trong chứa 89,5 kg tỏi “mồ côi”. Để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn, Bưu điện Lý Sơn đã chuyển trả số tỏi trên về lại đất liền, đồng thời ra thông báo không tiếp nhận các bưu kiện chuyển phát tỏi từ nơi khác ra đảo. Trước đó, Trạm Kiểm soát Biên phòng cảng Sa Kỳ đã phát hiện xe ô tô tải do ông Đặng Minh Phụng ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi điều khiển, chở 23 thùng xốp chứa tỏi tươi với trọng lượng khoảng 650kg và một xe khách chở 3 thùng xốp chứa tỏi tươi có trọng lượng khoảng 100kg, để chuyển ra đảo Lý Sơn… “Tỏi là mặt hàng nông sản của người nông dân Việt Nam, do đó việc vận chuyển tỏi từ địa phương này sang địa phương khác cũng là một trong các hoạt động giao thương bình thường. Tuy nhiên, khi tỏi từ nơi khác vận chuyển ngược về Lý Sơn sẽ gây hiểu lầm cho khách hàng đây là tỏi được trồng trên đảo Lý Sơn. Đó là chưa kể đến một số đối tượng làm giả, nhái hoặc trà trộn với tỏi Lý Sơn để kiếm lời. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng của thương hiệu tỏi Lý Sơn.”, ông Nguyễn Văn Định, Phó chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh chế biến hành tỏi Lý Sơn chia sẻ.
Gieo trồng tỏi trên đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Để xây dựng thương hiệu tỏi Lý Sơn và tránh việc người mua phải hàng giả, hàng nhái, Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh chế biến hành tỏi Lý Sơn Nguyễn Văn Định cho rằng, các sản phẩm tỏi Lý Sơn khi bán ra cần phải truy xuất được nguồn gốc và phải có tem chống hàng giả. Từ thông tin trên bao bì, khách hàng có thể biết được sản phẩm tỏi của từng hộ nông dân, đã xuất bán hay chưa, nếu là tỏi giả thì hộ nông dân phải chịu trách nhiệm. Đây là biện pháp nhằm mục đích bảo hộ thương hiệu tỏi Lý Sơn theo quy định, đồng thời ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Có như vậy thì người trồng tỏi Lý Sơn và cả người mua mới yên tâm vào các sản phẩm khi giao dịch, buôn bán. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường giám sát, vận động các hộ dân trên đảo Lý Sơn không tiêu thụ hoặc bán tỏi từ nơi khác tới. Đối với các loại tỏi từ nơi khác đến đảo Lý Sơn, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc nếu không công bố đúng nơi xuất xứ hoặc giả, nhái thương hiệu tỏi Lý Sơn. Huyện Lý Sơn sản xuất gần 330 ha tỏi, với sản lượng cho thu hoạch trung bình khoảng 8 -10 tấn/ha. Tổng sản lượng thu hoạch cả huyện ước đạt từ 2.000 - 2.500 tấn tỏi/vụ. Mỗi năm nông dân Lý sơn chỉ sản xuất được 1 vụ tỏi và tỏi được xem là cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người nông dân Lý Sơn.
Sỹ Thắng