Ảnh minh họa - TTXVN |
Trong vài năm trở lại đây, nhất là tại 3 kỳ SEA Games liên tiếp 26, 27, 28 bắn cung Việt Nam chỉ có những cái tên chủ chốt quen thuộc đi thi đấu quốc tế như: Tiến Cương, Trọng Kiên, Lộc Thị Đào, Thanh Thảo, Huyền Trang, Thu Hiền… và gần đây nhất nổi lên là Ngọc Huyền. Tuy nhiên, về lâu dài, việc đào tạo lực lượng trẻ, kế thừa ở các đội tuyển quốc gia, hay tuyển trẻ ở các môn thể thao thao nói chung và bắn cung nói riêng luôn là bài toán khó với các nhà quản lý. Lý do không phải là vì bắn cung quá hiếm lực lượng đầu vào mà còn vì nhiều lý do khách quan khác. Trong đó cũng phải kể đến chủ trương đầu tư phát triển của các địa phương, hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ môn này tương đối tốn kém, mặt khác áp lực thành tích cũng khiến việc trẻ hoá đội hình bắn cung thời gian qua vẫn chưa được triển khai triệt để.
Trước những khó khăn trên, lãnh đạo Bộ môn bắn cung Việt Nam (Tổng cục Thể dục thể thao) đã đưa ra lộ trình, giải pháp nhằm phát triển bộ môn này một cách bền vững. Cụ thể, các nhà quản lý mời chuyên gia giỏi về đào tạo, huấn luyện và tuyển chọn những cung thủ trẻ xuất sắc, có khả năng phát triển lâu dài để đào tạo. Trong đó phải kể đến cam kết giai đoạn 2013 - 2019 giữa Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) và Tổng cục Thể dục thể thao trong việc hỗ trợ phát triển kỹ thuật, giao lưu luân phiên giữa các cung thủ và huấn luyện viên hai quốc gia; tài trợ trang thiết bị cho đội tuyển bắn cung quốc gia Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc khích lệ các địa phương tăng cường đầu tư, nhất là cho lực lượng trẻ trẻ cũng đã được Tổng cục Thể dục thể thao tiến hành. Bởi thế, lực lượng tham gia các giải trong nước luôn ổn định và gia tăng hàng năm. Trung bình có khoảng 15-17 đơn vị tham dự với trên 100 xạ thủ.
Cũng nhằm hướng phát triển các vận động viên trẻ, kế cận hùng hậu, công tác đào tạo được quan tâm. Hàng năm, Bộ môn bắn cung Việt Nam đã tích cực tổ chức nhiều chương trình tập huấn, đào tạo cùng các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy để nâng cao trình độ cho các huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên.
Ông Bùi Trường Giang – Trưởng Bộ môn bắn cung Việt Nam cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực của Ban huấn luyện, cộng với sự giúp đỡ từ Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc), bắn cung Việt Nam bước đầu đã xây dựng được lực lượng kế cận. Hiện đã có nhiều cung thủ trẻ triển vọng kế thừa được thành tích của đàn anh, đàn chị như: Châu Kiều Oanh, Hoàng Văn Lộc… Cụ thể, tại Giải Vô địch bắn cung trẻ toàn quốc năm 2016, Ban tổ chức đã ghi nhận 18 kỷ lục trẻ quốc gia được thiết lập; trong đó phải kể đến thành tích của Hoàng Văn Lộc (Hà Nội) đã xuất sắc phá kỷ lục ở nội dung toàn năng cung 1 dây nam với 656 điểm (kỷ lục cũ là 649 điểm); Châu Kiều Oanh (Trà Vinh) đã xuất sắc phá kỷ lục ở nội dung toàn năng cung 3 dây nữ với 693 điểm (kỹ lục cũ là 677 điểm); Nguyễn Văn Đầy (Vĩnh Long) khi phá kỷ lục ở nội dung 90m cung 3 dây nam với 330 điểm (kỷ lục cũ là 325 điểm)…Đây là những gương mặt đầy triển vọng và tiềm năng của bộ môn bắn cung Việt Nam, có thể thay thế lực lượng vận động viên quốc gia đi tham dự các giải đấu lớn trong khu vực và quốc tế.
Cũng theo ông Bùi Trường Giang, trong thời gian tới, điều cần làm nhất chính là việc đào tạo, bồi dưỡng "nâng chất" cho đội tuyển quốc gia để vươn ra đấu trường quốc tế. Bên cạnh đó, bắn cung Việt Nam cũng sẽ cố gắng huy động nguồn lực để mời các huấn luyện viên ngoại về đào tạo, tích cực phối hợp hơn nữa với các địa phương trong kế hoạch huấn luyện hàng quý, hàng năm... Ông Bùi Trường Giang tin tưởng rằng việc mạnh dạn trẻ hoá lực lượng, bắn cung Việt Nam sẽ gặt hái được những thành công nhất định trong tương lai.