Sáng 11/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo thường kỳ quý I năm 2024, giải đáp nhiều vấn đề được dư luận xã hội, báo chí quan tâm.
Thông tin tại cuộc họp báo, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ly Ly nói: Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ diễn ra tối 6/5 tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đây là chương trình đặc biệt ở quy mô quốc gia, được Bộ trưởng tập trung chỉ đạo; do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện. Cục Nghệ thuật biểu diễn là đơn vụ chủ trì chỉ đạo, hiện các bên liên quan đã xây dựng kịch bản khung, tên chương trình dự kiến là “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”. Sẽ có 180 nghệ sỹ chuyên nghiệp tham gia chương trình cùng với các lực lượng khác lên tới khoảng 780 người để thực hiện chương trình ý nghĩa này.
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ly Ly cũng chia sẻ: Ngoài các nghệ sỹ trẻ như Tùng Dương, Dương Hoàng Yến... còn có nhiều nghệ sỹ gạo cội, đã thành danh cùng năm tháng như Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ, Nghệ sỹ Nhân dân Dương Minh Đức cùng nhiều nghệ sỹ khác. Ngoài ra còn có nghệ sỹ ngành nhạc kịch opera như ca sỹ Đào Tố Loan, trong chương trình sẽ thể hiện một tổ khúc hợp xướng quan trọng mang tên “Điện Biên”...; đây là yếu tố mới trong chương trình. Bên cạnh đó là các hình ảnh phim lịch sử, bối cảnh được mô tả trong 3 chương của chương trình dự kiến là: “Toàn dân ra trận”, “Cuộc đối đầu lịch sử” và “Điểm hẹn hòa bình”. Tất cả đang trong quá trình triển khai, được Hội đồng thẩm định để có phương án chốt cuối cùng thực hiện. Ngày 12/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có cuộc làm việc với UBND tỉnh Điện Biên tại Điện Biên để thực hiện công tác chuẩn bị tốt nhất cho chương trình nghệ thuật này.
Tại cuộc họp báo, Phó Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hữu Ngọc thông tin: Trong quý I/2024, Bộ đã phê duyệt 3 nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quyết định công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023) cho 29 hiện vật và nhóm hiện vật. Đồng thời, Bộ quyết định xếp hạng 9 di tích quốc gia; đưa 26 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia...
Đặc biệt, các đơn vị chức năng đã hướng dẫn địa phương xây dựng hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc” (Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh), Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (An Giang), Hang Con Moong (Thanh Hóa) trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới. Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế chỉnh sửa hồ sơ di sản tư liệu đề cử ghi danh vào Danh sách Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các đơn vị cũng chuẩn bị nhiều hoạt động nhằm xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đệ trình UNESCO đối với di sản: Mo Mường (Hòa Bình), Võ cổ truyền Bình Định (Bình Định) và Nghệ thuật Chèo Đồng bằng Bắc Bộ (Thái Bình)…
Thanh Giang