Xác minh, xử lý nghiêm hành vi đốt pháo hoa trong rừng nguyên sinh ở Lai Châu

Ngày 21/3, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, sau khi nắm được thông tin về một nhóm người có hành vi đốt pháo hoa trong rừng nguyên sinh tại địa bàn huyện Tam Đường, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an huyện xác minh làm rõ.

Trước đó, ngày 19/3, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại hình ảnh một nhóm người có hoạt động đốt pháo bông que, sau đó đốt pháo hoa có quả sáng bắn lên độ cao khoảng 10m tại một khu lán trong rừng được cho là trong khu rừng phòng hộ, nguyên sinh thuộc địa bàn huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến lên án, phản đối cho là sẽ gây nguy hiểm, cháy nổ.

Theo xác minh ban đầu, ngày 16/3, một nhóm 22 người đã liên hệ với 3 người khuân vác đồ (porter) cùng cư trú tại xã Tả Lèng, huyện Tam Đường để thuê vác đồ và hướng dẫn leo núi từ xã Tả Lèng lên đỉnh núi Putaleng ngắm hoa Đỗ quyên rồi xuống núi về Bản Phô, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường. Đêm cùng ngày, nhóm người này nghỉ tại lán giữa rừng do các porter dựng lên từ trước và tổ chức sinh nhật cho một thành viên trong nhóm. Tại đây, nhóm này đã đốt pháo bông que và pháo hoa có quả sáng được bắn lên với độ cao khoảng 10m.

Sự việc đã được anh Vũ Đức Tâm (thành phố Lai Châu) trong nhóm leo núi khác ngăn cản nhưng không được, do quá bức xúc anh Tâm đã quay video rồi đăng tải lên hội nhóm đam mê leo núi để phản đối.

Kết thúc chuyến leo núi, chiều 17/3, nhóm người đã rời khỏi địa bàn tỉnh Lai Châu. Quá trình leo núi, nhóm hướng dẫn và 22 người khách không báo cáo chính quyền và Công an cơ sở.

Để chủ động phòng ngừa những sự việc tương tự và đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân. Công an tỉnh Lai Châu khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chấp hành tốt các quy định của pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan.

Người dân làm nghề vận chuyển đồ cho khách du lịch leo núi mạo hiểm tự trang bị kiến thức, kỹ năng hành nghề theo quy định; tuân thủ và phổ biến cho du khách thực hiện khai báo tạm trú, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; đặc biệt, cần chủ động ngăn chặn kịp thời, tuyệt đối không để tái xảy ra tình trạng đốt pháo hoa trên rừng.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người dân chỉ được đốt pháo hoa do Nhà máy Z21 thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất. Khi sử dụng pháo phải tuân theo hướng dẫn: đặt ở nơi bằng phẳng, rộng, cách xa những vật liệu dễ bắt cháy tối thiểu 4-5m, khoảng cách an toàn nhất là 10m, không sử dụng pháo hoa gần nơi có các chất dễ cháy nổ...

Việc nhóm người trên đốt pháo hoa trong rừng phòng hộ, mùa hanh khô có nguy cơ rất cao xảy ra cháy rừng nguyên sinh Putaleng, cảnh quan quý giá của tỉnh Lai Châu cần được bảo tồn, bảo vệ đặc biệt. Hành vi thiếu ý thức này còn gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, phải được lên án, ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc.

Vụ việc đang được Công an huyện Tam Đường phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Việt Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm