Chiều 19/12, Công an thành phố Kon Tum và Cục Quản lý thị trường tỉnh đang tiến hành điều tra, xác minh chủ số hàng gồm 40 kg củ và lá giống sâm Ngọc Linh được vận chuyển từ phía Bắc vào tỉnh Kon Tum.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Công an thành phố Kon Tum phối hợp với Cục quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 5 thùng xốp để ở bến xe tỉnh Kon Tum nhưng không có người nhận. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các thùng xốp trên chứa hàng trăm củ, rất giống sâm Ngọc Linh, “Quốc bảo” của Việt Nam. Các thùng xốp trên đều có số điện thoại liên lạc. Qua kiểm tra, có 26 kg củ và 14 kg lá.
Thời gian qua, dù lực lượng chức năng trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, mua bán các loại sâm giả Ngọc Linh nhưng vì giá trị kinh tế cao, nhiều người bất chấp tất cả để lừa người tiêu dùng bán các loại củ giống sâm Ngọc Linh để trục lợi. Đa số các loại sâm được bán để trục lợi là sâm điền trúc, tam thất, sâm Lai Châu… có giá trị kinh tế thấp hơn nhiều so với sâm Ngọc Linh. Được biết, các loại sâm giống sâm Ngọc Linh thường được các nhà xe vận chuyển từ phía Bắc vào, sau đó bỏ lại trên đường hoặc tại bến xe để có người đến nhận. Cùng đó, hàng loạt công ty lợi dụng nhãn hiệu sâm Ngọc Linh để lừa người tiêu dùng đầu tư, mua các sản phẩm được quảng bá là chế biến từ sâm Ngọc Linh, khiến người tiêu dùng hiện rất hoang mang, không phân biệt được thật, giả.
Kon Tum cùng Quảng Nam là 2 địa phương có chỉ dẫn địa lý về sâm Ngọc Linh. Trong đó, tỉnh Kon Tum hiện đã trồng được khoảng 2.200 ha và được xem là thủ phủ của sâm Ngọc Linh.
Cao Nguyên