Xã Văn Hán đi sau về trước trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xã Văn Hán đi sau về trước trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Là địa bàn vùng sâu vùng xa của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, mặc dù xuất phát điểm thấp, song Văn Hán lại là một trong những xã Top đầu của tỉnh Thái Nguyên đạt danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao.

Xã Văn Hán đi sau về trước trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ảnh 1Vùng chè tập trung tại xóm Phả Lý, xã Văn Hán (Đồng Hỷ). Ảnh: baothainguyen.vn

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho chia sẻ, hơn 10 năm về trước, giao thông ở Văn Hán hầu như không có đường nhựa, lưu thông hàng hóa vì vậy mà đình trệ… đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Khi có các dự án đầu tư phát triển giao thông, xã đã xác định rằng đây chính là thời cơ, nếu không tranh thủ, chắc chắn Văn Hán mãi chỉ là vùng sâu, vùng xa.

Để vận động người dân, cán bộ, đảng viên trong xã chính là những hạt nhân tiên phong đi đầu, đồng thời có trách nhiệm vận động gia đình, người thân hưởng ứng.

Chỉ trong 3 tháng, gần 300 hộ dân đã hiến trên 5ha đất để mở đường. Tuyến đường nông thôn trải nhựa dài hơn 14km, rộng gần 8m kết nối Văn Hán với xã Cây Thị và xã Nam Hòa đã được hoàn thành. Nhiều hộ hiến hàng trăm m2 đất vườn, đất thổ cư, đất ruộng... để làm đường…

Chưa dừng lại ở đó, xã tiếp tục vận động được gần 500 hộ cam kết hiến thêm trên 7ha đất để nâng cấp trải nhựa tuyến đường liên xã nối từ xã Khe Mo về Văn Hán, rút ngắn khoảng cách từ Văn Hán ra Quốc lộ 1B. Giao thông phát triển, hàng hóa lưu thông thuận tiện đã kích thích sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế ngày càng cao; nhiều mô hình kinh tế ra đời từ đây.

Văn Hán hiện có 17 làng nghề chè truyền thống và 8 hợp tác xã; trong đó, có 6 hợp tác xã chè, 1 hợp tác xã chế biến lâm sản và 1 hợp tác xã bưởi. Các hợp tác xã đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Hợp tác xã Thái Minh chia sẻ, để nâng cao chất lượng chè, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ chế biến, đóng gói như máy xao chè bằng gas của Đài Loan (Trung Quốc), máy hút chân không, tôn sao chè bằng inox, máy vò, hệ thống tưới, giàn bảo quản chè tươi...

Hợp tác xã hiện có 7 thành viên và thường xuyên liên kết với 2 tổ hợp tác cùng 7 hộ sản xuất chè, tất cả đều có sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, hợp tác xã đang thâm canh sản xuất trên tổng diện tích 5 ha, năng suất đạt khoảng 14 tấn/năm, sản lượng búp tươi đạt 70 tấn/năm. Thu nhập của các xã viên hiện đạt 8 triệu đồng/người/tháng, tương đương với trên 90 triệu đồng/người/năm và doanh thu trong năm 2021 đạt khoảng 4,6 tỷ đồng.

Ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết, để sản phẩm chè của Văn Hán vươn tới nhiều thị trường, địa phương cũng mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm đưa ra chính sách hỗ trợ thiết thực trong quá trình sản xuất chế biến chè ở địa phương, đặc biệt là có những hỗ trợ về chỉ dẫn địa lý để tăng cường quảng bá sản phẩm chè Văn Hán.

Không chỉ là thủ phủ về diện tích và chất lượng chè của huyện Đồng Hỷ, Văn Hán còn là địa phương có diện tích rừng trồng lớn với trên 4.000 ha chủ yếu là cây keo.

Văn Hán là địa phương được chọn để triển khai thực hiện chương trình trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ sản xuất rừng bền vững (FSC). Đây được xem là “tiêu chuẩn vàng” đối với gỗ được khai thác từ các khu rừng được quản lý có trách nhiệm, có ích cho xã hội, có ý thức về môi trường và hiệu quả về kinh tế.

Bên cạnh đó, cây bưởi cũng được Văn Hán triển khai tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, toàn xã có hơn 120 ha bưởi đang cho thu hoạch. Nhiều hộ trồng bưởi đã thành lập tổ hợp tác, cùng nhau chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, với mục tiêu phấn đấu sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Gia đình ông Lâm Văn Keo ở xóm Vân Hòa hiện có hơn 50 gốc bưởi có độ tuổi trung bình từ 10 đến 15 năm, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu về khoảng 50 triệu đồng.

Ông Keo chia sẻ, gia đình trồng bưởi xen với chè, việc chăm sóc cây bưởi không mất nhiều công sức và chi phí, thu nhập từ bưởi cũng giúp cho gia đình cải thiện được cuộc sống.

Nhờ phát huy nội lực từ thế mạnh địa phương, kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên, bộ mặt nông thôn thay đổi, xã Văn Hán đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao với thu nhập bình quân năm 2021 đạt trên 45 triệu đồng/người. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 92%, xã không còn hộ nghèo (ngoài hộ nghèo thuộc diện bảo trợ), môi trường cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững...

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết, xã sẽ tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới.

Đặc biệt, xã sẽ tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, tạo mô hình sản xuất hàng hóa vùng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nhằm khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp và hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn để nâng cao thu nhập, cũng như chất lượng cuộc sống người dân.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm