Vững vàng hậu phương lính đảo Trường Sa

 Vững vàng hậu phương lính đảo Trường Sa
Câu lạc bộ “Phụ nữ với môi trường biển” xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Ảnh: baokhanhhoa.com.vn
Câu lạc bộ “Phụ nữ với môi trường biển” xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Ảnh: baokhanhhoa.com.vn

Thành lập năm 2013, Câu lạc bộ “Phụ nữ hậu phương Trường Sa” tại phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh ra đời với các hội viên có chồng đang làm việc ngoài quần đảo Trường Sa, nhằm giúp đỡ cùng nhau phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái. Từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Câu lạc bộ có 20 chị em tự nguyện tham gia. Đến nay, Câu lạc bộ kết nạp thêm nhiều hội viên là những người vợ của các cán bộ, chiến sỹ công tác tại Vùng 4 Hải quân, nâng tổng số hội viên lên 50 người. Chị Trần Thị Mai, nguyên cán bộ Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, phường Cam Nghĩa là một địa bàn cửa ngõ giáp ranh với Vùng 4 Hải quân. Nơi đây có rất nhiều gia đình là thân nhân của người lính Trường Sa. Thông qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ, chị em có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu đối với biển đảo, quê hương, đất nước nói chung, Trường Sa nói riêng. 

Câu lạc bộ “Phụ nữ hậu phương Trường Sa” hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện. Qua đó, Ban Chủ nhiệm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, với những việc làm thiết thực nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên, phụ nữ có chồng, người thân công tác ở Trường Sa; đồng thời, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, hội viên, phụ nữ để họ sẻ chia, giúp đỡ, động viên chồng và người thân công tác ở Trường Sa vững lòng hoàn thành nhiệm vụ. Ban Chủ nhiệm thường xuyên đến từng nhà thăm hỏi, động viên, giúp họ ổn định tư tưởng, giữ vững niềm tin để chăm lo gia đình. Bên cạnh đó, vào những ngày lễ trong năm, các hội viên đều được nhận những món quà nhỏ từ Câu lạc bộ. 

Hoạt động có hiệu quả, mô hình “Phụ nữ hậu phương Trường Sa” của thành phố Cam Ranh được phổ biến và nhân rộng trong tỉnh. Năm 2014, ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ hướng về biển đảo” với 51 hội viên. Hầu hết các hội viên của câu lạc bộ đều có chồng đang công tác ngoài Trường Sa. Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ theo hàng tháng. Ngoài việc tìm hiểu, nắm bắt những khó khăn của chị em có chồng công tác ngoài biển, đảo, Câu lạc bộ còn tổ chức các hoạt động sinh hoạt hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế. 

Chị Đinh Thị Xuyến là một thành viên tích cực tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ “Phụ nữ hướng về biển đảo”, được người trong vùng thân mật gọi là Xuyến Xướng, bởi chồng chị là anh Nguyễn Đức Xướng, hiện công tác tại đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa. Căn nhà của anh chị tuy nhỏ nhưng rất gần gũi, thân thiện với môi trường vì chị đã tận dụng đất vườn rộng để chia thành khu nhỏ trồng trọt và chăn nuôi. Đưa tầm nhìn sang khu đất cạnh vườn nhà chị là cả một màu xanh với đủ loại rau, củ, quả, chị Xuyến cho biết: “Thấy đất bỏ hoang, chưa ai làm nhà, tôi cải tạo đất trồng rau, trước thì cải thiện thức ăn cho gia đình, sau nữa bán kiếm thêm thu nhập”. Khi chồng vắng nhà, chị vừa làm mẹ, vừa làm bố, bầu bạn cùng con, kèm cặp và dạy con sinh hoạt, học tập. Ý thức được hoàn cảnh gia đình, các con của chị đều tự giác học tập, con gái đầu của chị đang là giáo viên Tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh, con trai út là sinh viên năm thứ 3 Đại học. 

Theo ông Hồ Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm Bắc, hầu hết chị em có chồng là cán bộ, chiến sỹ đang làm việc ở Trường Sa là những "chủ hộ" sống rất gương mẫu, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Cam Thành Bắc đã kịp thời, thường xuyên động viên giúp đỡ đặc biệt về vật chất lẫn tinh thần, để các chị được làm ăn, sinh sống thuận lợi hơn. 

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa cho biết, các hoạt động hướng về biển, đảo được các cấp Hội quan tâm, thực hiện. “Phụ nữ hướng về biển đảo” và “Phụ nữ hậu phương Trường Sa” là hai Câu lạc bộ thường xuyên gặp gỡ, động viên hội viên, phụ nữ có chồng đang làm nhiệm vụ an tâm tư tưởng, chăm sóc nuôi dạy con tốt. Các mô hình này là cầu nối kịp thời giữa các chị em với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tình hình biển, đảo hiện nay. 
            
Phan Sáu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm