Tỉnh Lai Châu đang vào mùa mưa, nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét, nhất là tại các địa bàn vùng cao. Để đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2020 diễn ra thuận lợi, an toàn, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đang khẩn trương lựa chọn và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất tại các điểm thi, xây dựng phương án dự phòng trước những tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2020, toàn tỉnh Lai Châu có 3.319 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 2.195 thí sinh dự thi xét tốt nghiệp, 902 thí sinh thi tốt nghiệp và đại học, cao đẳng, 222 thí sinh thi đại học. Tỉnh đã bố trí 18 điểm thi với 172 phòng thi, 24 phòng chờ và 18 phòng cách ly tại 8 huyện, thành phố trong tỉnh; bố trí 1.225 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ công tác thi.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu Đinh Trung Tuấn cho biết: Lai Châu là một tỉnh vùng cao, vào mùa mưa lũ thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Để đảm bảo an toàn cho người làm thi và các thí sinh, Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra, lựa chọn cơ sở vật chất phù hợp, chuẩn bị điểm thi dự phòng; chỉ đạo các trường học trên địa bàn rà soát những học sinh ở xa để tổ chức nuôi ăn ở, giữ học sinh trước, trong và sau Kỳ thi thật tốt. Những ngày diễn ra Kỳ thi năm nay, Lai Châu sẽ có 1.454 thí sinh ở tại trường nội trú để thuận lợi cho việc dự thi.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là các ngành Giao thông, Công an để ứng trực, kịp thời vận chuyển đề thi và bài thi; giúp đỡ các thí sinh tham gia thi thuận lợi hơn khi có thiên tai xảy ra, không để một học sinh nào không tham dự được Kỳ thi do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
Kỳ thi năm nay, tỉnh Lai Châu sẽ không có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường đại học khác đến địa bàn làm công tác coi thi như các năm trước. Do đó, việc bố trí nhân sự tham gia tổ chức thi được tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm, lựa chọn kỹ những người có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm để đảm bảo Kỳ thi diễn ra khách quan, nghiêm túc.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, năm học 2019 - 2020 là một năm học rất đặc biệt, học sinh nghỉ học dài do dịch COVID-19. Ngay sau khi học sinh đi học trở lại, Sở đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch ôn luyện cho học sinh lớp 12, rà soát các đối tượng dự thi để lựa chọn phương án ôn thi thích hợp với từng bộ môn và lượng kiến thức phù hợp. Đồng thời, các trường xây dựng tài liệu ôn thi theo hướng tinh giảm nội dung và đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo… Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi cơ bản đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Đến nay, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã hoàn tất chương trình dạy học, đang trong giai đoạn nước rút tập trung củng cố kiến thức cho học sinh dự thi.
Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sìn Hồ (Lai Châu), năm học 2019 - 2020 có 2 lớp 12 với hơn 60 học sinh. Thời gian này, giáo viên và học sinh trong trường đang bận rộn với việc ôn luyện kiến thức, làm bài thi thử theo đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá khả năng, từ đó giúp các em ôn thi đúng hướng, trọng tâm, sẵn sàng bước vào kỳ thi.
Em Chảo Thị Nhàn, lớp 12B, Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sìn Hồ chia sẻ: Do không có điều kiện đi học thêm, ngoài việc học ở trên lớp, tối đến em cùng các bạn ở nội trú tập trung thành nhóm để giải các đề thi, chỗ nào chưa giải được thì chúng em cùng thảo luận tìm ra đáp án. Ngoài việc học nhóm, em còn chủ động ra quán internet để tìm thêm tài liệu, đề thi của các tỉnh khác để củng cố thêm kiến thức, sẵn sàng bước vào Kỳ thi.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các trường trên địa bàn tỉnh tổ chức cho học sinh lớp 12 thi thử 5 bài thi gồm: Ba bài thi độc lập của các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi Khoa học tự nhiên (các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi Khoa học xã hội (các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Kết quả, qua kỳ thi thử cho thấy, toàn tỉnh có 9.450 lượt thí sinh đạt điểm từ 5,0 trở lên, có 45 thí sinh bị điểm liệt.
Kỳ thi thử là căn cứ để đánh giá mặt bằng kiến thức chung của học sinh trong toàn tỉnh ở thời điểm hiện tại và là căn cứ để giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp. Đồng thời, đây cũng là dịp giúp các em học sinh hệ thống lại kiến thức đã học, làm quen với các dạng đề, rèn kỹ năng làm bài thi và đánh giá trình độ kiến thức hiện tại của bản thân để điều chỉnh phương pháp học tập, nhằm đạt kết quả cao nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2020.
Việt Hoàng - Đinh Thùy