Vụ bê tông hóa di tích 300 tuổi ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội: Tư duy ngược trong bảo tồn và huy động xã hội hóa

Vụ bê tông hóa di tích 300 tuổi ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội: Tư duy ngược trong bảo tồn và huy động xã hội hóa
Sai cả về nhận thức và ý thức

Dù hội đủ các yếu tố để đình Lương Xá được xếp hạng di tích song do những người có trách nhiệm ở chính quyền xã Liên Bạt và huyện Ứng Hòa chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng hồ sơ trình xếp hạng nên ngôi đình 300 năm vẫn chưa có danh. Thứ duy nhất nó có được là nằm trong danh mục kiểm kê di tích của thành phố Hà Nội, bởi vậy đình Lương Xá vẫn được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Việc trùng tu đình phải tuân theo mọi trình tự thủ tục và được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Trước hết, phải thừa nhận rằng, khi di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, việc trùng tu, tôn tạo là cần thiết, nhưng không có nghĩa trùng tu theo cách phá đi xây lại như di tích đình Lương Xá. Bởi khi đó, di tích không còn là chính nó, mà là một công trình xây dựng mới phỏng theo kiến trúc di tích; các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc cũng không còn tồn tại. Một ngôi đình cổ kính bằng gỗ, mái cong bốn góc, ngả màu theo thời gian, từng gắn bó với đời sống tinh thần người dân Lương Xá vĩnh viễn mất đi sau quyết định phá bỏ của những người có trách nhiệm ở thôn Lương Xá và xã Liên Bạt. Việc bê tông hóa di tích đình Lương Xá không nằm ngoài lý do để ngôi đình vững chắc, khang trang, hiện đại hơn nên họ đã mặc nhiên phá bỏ một cách không thương tiếc ngôi đình cổ. Đó là cái sai về nhận thức của những người có trách nhiệm ở thôn Lương Xá và xã Liên Bạt. Vì thực tế, khi bê tông hóa di tích sẽ gây tác dụng ngược lại rất lớn và chính ở thời điểm này, người dân Lương Xá đang phải gánh chịu.

Cùng với cái sai về nhận thức, những người có trách nhiệm ở thôn Lương Xá và xã Liên Bạt còn sai cả về ý thức khi thực hiện trùng tu đình làng. Bằng chứng là, chính quyền xã đã chủ động gửi văn bản lên UBND huyện Ứng Hòa xin chủ trương trùng tu di tích. Điều này có nghĩa địa phương này nắm được quy định về thủ tục trùng tu. Tuy nhiên, sau khi có văn bản hướng dẫn của UBND huyện Ứng Hòa phải lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn xác định rõ nguồn vốn gửi về huyện, xã Liên Bạt không phản hồi và tự ý cho phá dỡ đình để xây mới bằng bê tông. Đó là sự bất chấp quy định.

Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, không phải chính quyền xã và thôn không nắm được quy định nhưng họ vẫn cố tình phá bỏ di tích cũ để xây mới. Hành động phá di sản như vậy cần phải xử lý nghiêm, bởi bất cứ việc gì liên quan đến di sản phải tuân thủ đúng Luật và quy định của thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề nghị huyện Ứng Hòa làm rõ trách nhiệm cụ thể của những người liên quan để kiểm điểm, xử lý.

Ngược trong huy động xã hội hóa

Sau khi thôn Lương Xá thông qua chủ trương trùng tu lại di tích bằng cách xây mới bằng bê tông, dự toán xây dựng công trình đình Lương Xá đội vốn lên 5 tỷ đồng. Với số tiền lớn như vậy, hoàn toàn không được ngân sách cấp. Do đó, theo ông trưởng thôn Lương Xá, Ban Khánh tiết là đại diện các đoàn thể trong thôn đã họp với nhân dân thống nhất mỗi khẩu đóng 800 nghìn đồng, kể cả người già, trẻ nhỏ. Dự kiến số tiền huy động này thu được 1,5 tỷ đồng, số còn lại do hai cá nhân khác đóng góp. Đến thời điểm này, số tiền thu được từ người dân trong thôn được hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng không biết cuộc họp trên, chỉ thấy thông báo đóng góp xây dựng đình.

Vấn đề đặt ra, việc huy động xã hội hóa bằng cách bổ đều theo nhân khẩu, buộc mỗi người nộp 800 nghìn đồng không phù hợp với ý nghĩa của công tác xã hội hóa. Trong khi, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh mỗi người khác nhau, thậm chí còn nhiều người thuộc diện hộ có thu nhập thấp. Chính vì vậy mới xảy ra trường hợp, một số gia đình không lo nổi tiền do nhân khẩu đông nên chỉ nộp được một nửa, phần còn lại trả nợ sau. Việc áp thu mỗi người 800 nghìn đồng để trùng tu di tích ở Lương Xá khiến nhiều người liên tưởng tới việc thu sưu, thuế thời phong kiến theo suất đinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị di sản Văn hóa cho rằng, buộc dân đóng góp tiền với một mức chung như vậy là không phù hợp. Theo ông Huy, việc đóng góp cần có sự bàn bạc, thỏa thuận trong dân trên tinh thần tự nguyện vì phụ thuộc vào nền tảng kinh tế từng gia đình.

Cùng chung quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cũng cho biết, xã hội hóa là phải giải thích, thuyết phục, không có nghĩa bổ đầu, áp đặt, bắt buộc. Xã hội hóa là tùy tâm đóng góp nhân lực và trí tuệ, đóng góp tài chính một cách tự nguyện, tùy theo khả năng mỗi người.

Cũng về vấn đề xã hội hóa di tích, các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, các tổ chức, cá nhân thường đóng góp vào quỹ hoạt động văn hóa. Trên cơ sở đó, quỹ này tài trợ cho các nơi theo đúng quy định, quy tắc của quỹ đó, người tài trợ sẽ không can thiệp vào hoạt động của quỹ. Còn ở nước ta, nhà tài trợ thường trực tiếp ủng hộ cho di tích họ muốn tài trợ, vì vậy nhiều ngôi đình, chùa bị chi phối bởi ý đồ nhà tài trợ, thậm chí các hoành phi, câu đối làm theo ý muốn của nhà tài trợ. Vì thế mới xảy ra nhiều di tích bị biến dạng khi trùng tu, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa, nhiều hiện vật lạ được đưa vào di tích từ việc cung tiến của các tổ chức, cá nhân.

Từ những vấn đề xảy ra tại di tích đình Lương Xá, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm sai phạm để không tạo tiền lệ xấu cho việc tự ý phá bỏ, xây mới di tích. Một mặt, trách nhiệm quản lý của các cơ quan chuyên môn cần phải chấn chỉnh lại, bởi vụ việc ở di tích đình Lương Xá chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho công tác quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội.
Đinh Thuận
TTXVN

Có thể bạn quan tâm