Vĩnh Phúc nông dân xót xa khi lúa chín bị ngập nước nảy mầm tại ruộng

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra nhiều thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bão, lũ trên địa bàn Vĩnh Phúc đã làm 9.830ha lúa, gần 2.300ha hoa màu của người dân bị ảnh hưởng; 16.600 gia cầm, gần 70 con trâu, bò, lợn và 537 các loại gia súc khác bị chết... Điều đáng nói là sau khi bão kết thúc, nước lũ rút xuống thì những diện tích lúa bị ngập hoặc đổ xuống ruộng nước có hạt thóc đang độ chín đã nảy mầm tại đồng ruộng.

vna_potal_nong_dan_vinh_phuc_xot_xa_khi_lua_chin_bi_ngap_nuoc_nay_mam_tai_ruong_7609172.jpg
Đồng lúa của nông dân xã Minh Quang, huyện Tam Đảo bị mưa bão, lũ gây đổ ngã. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch - TTXVN

Đi dọc các con đường tỉnh lộ, những con đường về trung tâm các huyện, đường liên xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dễ dàng nhận thấy nhiều đồng ruộng lúa bị bão, mưa lũ gây ngập và ngã rạp xuống mặt ruộng ẩm ướt. Hầu hết diện tịch lúa bị đổ do bão, bị ngập nước do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang trong thời kỳ cho thu hoạch hoặc chuẩn bị cho thu hoạch.

Theo bà con nông dân, vụ lúa Hè Thu năm 2024 ở Vĩnh Phúc được gieo cấy sớm hơn so với nhiều tỉnh, thành lân cận và khu vực, do đó cây lúa Hè Thu trên địa bàn tỉnh trổ bông sớm hơn, bắt đầu từ đầu tháng 9 dương lịch trở đi, một số hộ đã bắt đầu thu hoạch lúa mùa. Tuy nhiên, diện tích lúa chín nhiều nhất, rộ nhất lại rơi vào thời điểm gần giữa tháng 9/2024. Ở thời điểm này, bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão đã ảnh hưởng rất lớn đến diện tích lúa đang chín và chuẩn bị chín.

Để cứu vãn cây lúa, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, huy động các lực lượng giúp dân nhanh chóng thu hoạch lúa ngay sau khi nước lũ rút; đồng thời vận động người dân dựng các khóm lúa, buộc lại cây tránh đổ xuống mặt ruộng. Tuy nhiên, việc gặt chạy mưa lũ, gặt sau lũ lụt, dựng buộc cây lúa cũng chỉ được trên dưới 50% tổng diện tích thiệt hại; diện tích lúa còn lại do còn xanh và thời tiết nhiều mưa, ẩm ướt nên bà con chưa thu hoạch. Có một điểm chung là phần lớn diện tích lúa đang độ chín, bông lúa bị đổ rạp xuống mặt ruộng ẩm ướt hoặc bị ngập từ 3 ngày trở lên thì có khoảng 30 % hạt (thóc) đã bị nảy mầm tại đồng ruộng. Những hạt thóc đã bị nảy mầm, chuẩn bị nảy mầm sẽ cho sản phẩm gạo kém do ẩm ướt, khi xay xát thường gạo bị vỡ vụn thành tấm và cám.

Bà Nguyễn Thị Sáu, ở thô My Kỳ, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gần một nửa diện tích lúa Hè Thu năm 2024 của thị trấn bị đổ ngã; trong đó có khoảng 1/3 diện tích đổ ngã, ngập nước nặng, có những ruộng lúa rụng hạt và mọc mầm chiếm tới 30%- 50%. Điều này có nghĩa bà con vùng bão, lũ có diện tích lúa Hè Thu bị ngập, đổ ở thị trấn Bá Hiến cũng như địa phương khác trên địa bàn tỉnh có năng suất và chất lượng đều suy giảm. Theo bà Sáu, những thiệt hại do thiên tai này cần được Nhà nước hoặc tỉnh có chính sách hỗ trợ để người dân giảm bớt hiệt hại.

Chị Nguyệt, một nông dân tại thôn Chùa Vàng, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, cho hay, gần 50% lúa Hè Thu của xã Minh Quang sắp chín thì bão số 3 gây đổ và ngập nước. Khi nước rút lúa vẫn còn xanh, bà con không kịp dựng và buộc cho cây đứng lên thì cây lúa sẽ thối nát, hạt lúa dù chưa chín hẳn nhưng đã nảy mầm tại ruộng tới 30%, nếu không khắc phục kịp thì thiệt hại sẽ rất nặng, có những khu ruộng phải chấp nhận mất hoàn toàn...

Trước tình hình bão lũ gây thiệt hại tới sản xuất nói chung, đặc biệt là đối với cây trồng, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo sở, ngành, địa phương đánh giá kỹ tổng thể và toàn diện, đề xuất bố trí nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cây trồng, xây dựng các công trình khẩn cấp…phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt khuyến khích nông dân quan tâm gieo trồng các cây rau, quả, đáp ứng thị trường đang thiếu hụt rau xanh, giá cả tăng vọt, nhất là nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng...

Nguyễn Trọng Lịch

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm