Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của cơn bão số 3 (bão Yagi), tỉnh Yên Bái khẩn trương triển khai các giải pháp chủ động ứng phó. Đến thời điểm này, mọi công tác đã được sẵn sàng, nỗ lực giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Cụ thể, huyện vùng cao Mù Cang Chải đã xác định nguy cơ trong các tình huống thiên tai như: mưa lớn kéo dài, mực nước suối Nậm Kim dâng cao gây ngập úng cục bộ tại thị trấn Mù Cang Chải; gây sạt lở ta luy dọc quốc lộ 32 đoạn từ Cao Phạ, Chế Cu Nha, thị trấn Mù Cang Chải, dọc theo đường liên xã từ thị trấn đi xã Chế Tạo. Vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét gồm: khu Làng Sang (xã Nậm Khắt); bản Tà Sung, Lìm Thái (xã Cao Phạ); bản Tu San (xã Nậm Có); khu tổ 1, 2, 5 thị trấn (khu Trường Phổ thông dân tộc nội trú); bản Háng Gàng, bản Hú Chù Lình (xã Lao Chải)...
Thực hiện công văn hỏa tốc của Tỉnh ủy, công điện của UBND tỉnh, các văn bản của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, huyện Mù Cang Chải hoãn tổ chức Lễ hội Sơn tra huyện Mù Cang Chải lần thứ Nhất, Lễ hội Mùa vàng năm 2024 và Hội thảo du lịch Mù Cang Chải điểm đến "Bản sắc - An toàn - Thân thiện".
Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, ứng phó khẩn cấp với bão số 3, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lê Trọng Khang khẳng định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão và chủ động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Tương tự, theo thống kê, trên toàn huyện Trấn Yên hiện có 7 khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở ta luy cao do hoàn lưu bão số 3 như: khu vực đang thi công kè chống sạt lở sông Hồng khu vực thị trấn Cổ Phúc; khu vực đang thi công ngầm số 2 xã Tân Đồng; điểm trên tỉnh lộ 166 đoạn qua địa phận xã Y Can - Quy Mông; các khu vực khai thác khoáng sản tại xã Lương Thịnh, Hưng Khánh, Hưng Thịnh; các điểm tại xã Hồng Ca với tổng số 1.811 hộ có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 3, trong đó có 1.135 hộ trong vùng nguy cơ sạt lở đất.
Ngay sau khi có công điện của UBND tỉnh, huyện Trấn Yên đã triển khai biện pháp ứng phó, đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sống trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng chủ động phòng tránh, huy động lực lượng xung kích triển khai việc di dời các hộ dân đang sống ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn bố trí lực lượng, phương tiện trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra tại các địa phương. Qua kiểm tra, các địa phương đã tổ chức họp triển khai phương án ứng phó, dự kiến huy động 2.818 người; chuẩn bị trên 300 phương tiện các loại, 74 bộ nhà bạt, trên 700 áo phao cứu sinh và các trang thiết bị khác nhằm chủ động ứng phó bão số 3.
Ông Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Huyện đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống sạt lở ta luy tại những khu vực xung yếu dễ xảy ra sạt lở; chỉ đạo các địa phương cắm biển cảnh báo tại khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua khu vực đã sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở hay các ngầm tràn; không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; nghiêm cấm người và vật nuôi ra vào khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, các xã chủ động làm việc với đơn vị khai thác khoáng sản có phương án chủ động đảm bảo an toàn hồ chứa thải và an toàn cho hộ dân sinh sống trong khu vực.
Để đảm bảo an toàn cho các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên và học sinh, ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch, phương án, tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3.
Theo ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, Sở đã ban hành Công văn gửi phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; đơn vị trực thuộc sở; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường Trung cấp... cho học sinh, sinh viên nghỉ học ngày thứ 7 (ngày 7/9) để phòng, tránh bão; không tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài trường trong 2 ngày (7, 8/9/2024). Đối với các trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú: tuyệt đối không để học sinh về nhà trong thời gian mưa bão; bố trí học sinh ở tại các phòng kiên cố, cao ráo, tránh nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất... đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như nguồn cung cấp thực phẩm, nước uống đầy đủ cho học sinh trong thời gian ở tại trường.
Để ứng phó với bão số 3, tỉnh Yên Bái đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động xuống cơ sở để chỉ đạo công tác ứng phó. Đồng thời, tỉnh cũng đình hoãn, tạm dừng các cuộc họp, hội nghị không thật sự cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung ứng phó với bão, lũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc cho biết, theo dự báo, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại tất cả 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và nguy cơ cao ngập lụt tại các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái. Do vậy, tỉnh đã yêu cầu các địa phương triển khai giải pháp chủ động ứng phó, di dời khẩn cấp hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ cuốn đến nơi an toàn, nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố đình, hoãn cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
* Hàng chục cây xanh bị bật gốc, nhiều tuyến đường Vĩnh Phúc ngập cục bộ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu xa bão số 3, từ tối 6/9 và sáng 7/9, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh khiến hàng chục cây xanh ở thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên... bị bật gốc. Hàng trăm cây xanh khác bị gãy thân cây hoặc gãy cành, làm hư hỏng một phần công trình xây dựng, nhà ở, hệ thống điện sinh hoạt... Không ít biển quảng cáo tấm lớn trên các tuyến đường của thành phố Vĩnh Yên, trục quốc lộ qua Vĩnh Phúc gãy đổ, hư hỏng…
Để khắc phục hậu quả của bão, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các lực lượng, cơ quan, đơn vị... trên địa bàn khơi thông những điểm ngập nước trên các tuyến đường, lập rào chắn để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại, huy động người và phương tiện tổ chức dọn dẹp cây xanh đổ gãy các tuyến đường, tuyến phố lớn. Ngành Điện đang tích cực khắc phục cột điện bị nghiêng, đổ và tổ chức đấu nối, đảm bảo nguồn điện an toàn cho sinh hoạt . Những điểm thiếu an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn cao cho người và phương tiện như các đập tràn, đoạn đường sạt lở, ngập nước hoặc đang thi công có nhiều hố sâu... đều được cắm biển báo, có sự chỉ dẫn của lực lượng chức năng. Một số hồ đập như hồ Xạ Hương, huyện Tam Đảo; hồ Thanh Lanh, huyện Bình Xuyên, từ ngày 6/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ra lệnh xả tràn và phân công lực lượng trực 24/24 bảo đảm ứng phó trước mọi tình huống...
Tuấn Anh - Trọng Lịch