Nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng nghề phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động.
Giảm lý thuyết, tăng thực hành
Giảm lý thuyết, tăng thực hành đang là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở Vĩnh Phúc trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Thực hiện Quyết định số 3105/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về phê duyệt Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, năm 2021, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc được lựa chọn để đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao, có đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.
Hiện, trường đang đào tạo 14 nghề hệ cao đẳng, 13 nghề hệ trung cấp và 7 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 4 nghề cấp độ quốc tế, 2 nghề cấp độ ASEAN và 1 nghề cấp độ quốc gia. Thầy giáo Nguyễn Trung Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc chia sẻ: Nhà trường xác định đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là quan trọng nhất. Do đó, nhà trường xây dựng giáo trình dạy học lý thuyết đi đôi với thực hành, giảm lý thuyết hàn lâm, tăng thời lượng thực hành, áp dụng phương pháp dạy học tích cực để giúp học sinh dễ hiểu, dễ áp dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tế. Bên cạnh đó, nhà trường đưa giáo viên đi thực tập ở các doanh nghiệp để về đào tạo cho sinh viên. Nhà trường cũng phối hợp mời các chuyên gia của doanh nghiệp giảng dạy tại trường để cập nhật các công nghệ mới cho sinh viên.
Thầy giáo Thiện chia sẻ thêm: Hiện nay, nhà trường thực hiện ký kết, hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho 100% học sinh, sinh viên được đi thực tập tại các doanh nghiệp ngay trong quá trình đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”, góp phần hình thành các kỹ năng thực tế, tác phong công nghiệp cho sinh viên. Với mong muốn các em học sinh, sinh viên khi ra trường được trang bị hành trang đủ tốt để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, Trường cao đẳng Kinh tế- kỹ thuật Vĩnh Phúc thực hiện Đề án tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung đào tạo 4 ngành nghề: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; dịch vụ thú y; thông tin và mạng máy tính.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đồng, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc cho biết: 4 nghề được lựa chọn giảng dạy chất lượng cao là 4 nghề thế mạnh của nhà trường. 100% giáo trình đào tạo được bổ sung, cập nhật thường xuyên theo đúng quy định. Đồng thời, nhà trường đã thiết kế các bài giảng điện tử, các phần mềm mô phỏng, tài liệu nghe nhìn, hệ thống các bản vẽ theo nghề, trang bị giáo cụ giảng dạy trực quan… đáp ứng yêu cầu giảng dạy chất lượng cao.
Để phục vụ chương trình giảng dạy chất lượng cao, nhà trường đã được đầu tư hơn 100 tỷ đồng để trang bị các thiết bị hiện đại. Nhà trường có hệ thống thư viện 3 tầng với tổng diện tích hơn 3.000 m2 với đầy đủ tài liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu và học tập của học sinh, sinh viên.
Tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gần 2.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao; quy mô đào tạo được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lao động của tỉnh. Năm 2023, các cơ sở đã tuyển mới hơn 8.000 học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng và trung cấp; tỷ lệ tốt nghiệp ra trường và có việc làm đúng nghề được đào tạo trên 80%, trong đó các nghề trọng điểm đạt trên 90%.
Ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thời gian qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã lấy người học làm trung tâm, giảng viên là người hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học đa dạng, linh hoạt; nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động và theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 40% học sinh sau Trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có 1 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; có khoảng 10 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 1-2 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN; đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới…
Để thực hiện mục tiêu, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động. Mặt khác, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên tham gia học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn. Qua đó, tạo sức hút tuyển sinh, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Nguyễn Thảo