Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - một nhà thơ lớn, một dịch giả tài hoa

Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - một nhà thơ lớn, một dịch giả tài hoa

Ngày 27/11, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và những người yêu văn học cả nước cùng tiễn biệt nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới (1930-1945), một nhà thơ lớn, một dịch giả tài hoa, ông đã ra đi ở tuổi tròn 100.

Tiếc thương ông, một nhà thơ lớn, một dịch giả tài hoa. Vĩnh biệt ông, người đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới (1930-1945), “Thế hệ vàng” của văn học Việt Nam hiện đại.

Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - một nhà thơ lớn, một dịch giả tài hoa ảnh 1

Đóng góp quan trọng cho thi ca Việt

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh ngày 16/11/1920 tại Đà Lạt. Cha ông là một nhà nho ở Quảng Bình, di cư vào Đà Lạt và nhà thơ đã ra đời ở đó. Nguyễn Xuân Sanh học trung học và đại học ở Hà Nội. Ông đã sớm làm thơ, năm 16 tuổi ông đã có truyện thơ “Lạc loài” đăng nhiều kỳ trên báo. Năm 1939, ông và các văn nghệ sỹ cùng chí hướng sáng tạo, gồm các nhà văn, nhà thơ: Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm “Xuân Thu nhã tập”.

Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Đoàn văn nghệ liên khu IV, phụ trách tạp chí Sáng tạo. Từ năm 1950, ông ra Việt Bắc tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam và Tiểu ban Văn nghệ của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông lần lượt được cử làm Ủy viên Ban chấp hành hội các khóa I, II và III. Từ năm 1966 đến 1975, ông làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ và Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch...

100 năm tuổi đời và gần 80 năm cầm bút, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh để lại cho văn học Việt Nam một gia tài sáng tác đồ sộ. “Xuân Thu nhã tập” là cuốn sách xuất bản đầu tiên, gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm. Sau này, Nguyễn Xuân Sanh tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị như: Tác phẩm văn xuôi “Anh hùng Trần Đại Nghĩa”; các tập thơ: “Chiếc bong bóng hồng” (1957), “Tiếng hát quê ta” (1958), “Nghe bước xuân về” (1961), “Quê biển” (1966), “Đảo dưa đỏ” (1974), “Đất nước và lời ca” (1978), “Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh” (1991), “Một vườn thơ năm châu” (1997), thơ văn xuôi “Đất thơm” (viết 1940-1945, in 1995)…

Đặc biệt, hai bài thơ của ông “Nhớ dừa” và “Cô giáo lớp em” của ông được đưa vào sách giáo khoa trong nhiều năm, được nhiều thế hệ học sinh, giáo viên nhớ đến.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh còn là một dịch giả có tiếng, ông đã dịch nhiều tác phẩm của nhà thơ các nước Ba Lan, Nga, Luxembourg, Pháp, Canada, Israel, Sénégal, Romania, Bulgaria, Đức... qua các tập thơ dịch: Thơ Victor Hugo (1986), Tuyển tập thơ Pháp (ba tập, 1989-1994), Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer (1995)...

Năm 1951, ông nhận giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm “Anh hùng Trần Đại Nghĩa”. Năm 2001, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Nhà thơ tiên phong

Giáo sư Phong Lê - một trong những nhà nghiên cứu văn học hiện đại hàng đầu của Việt Nam đánh giá, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là bậc thầy thuộc “Thế hệ vàng” của văn học Việt Nam hiện đại. Cũng như số đông đồng nghiệp, Nguyễn Xuân Sanh tham gia kháng chiến trong tư cách người chiến sỹ văn nghệ, ở các vùng kháng chiến Liên khu Bốn, Liên khu Ba, Việt Bắc; tham gia hoạt động đoàn thể. Theo Giáo sư Phong Lê, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh có những sáng tác theo tinh thần “đại chúng hóa” để có những chùm thơ văn Phát động như “Nhận ruộng”, “Tiếng hát quê ta”… Để có thơ kể chuyện nhân dân kháng chiến như “Làng Nghẹt trong rừng đêm”.

Đặc biệt, ở thời điểm mở đầu thập niên 1960, cùng với “Bài ca mùa xuân 61” của Tố Hữu, Nguyễn Xuân Sanh có “Nghe bước xuân về”, bên cạnh “Riêng chung” của Xuân Diệu, “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên, “Trời mỗi ngày lại sáng” và “Bài thơ cuộc đời” của Huy Cận, “Tiếng song” của Tế Hanh… Mạch cảm hứng này ở Nguyễn Xuân Sanh còn kéo dài đến “Quê biển” (1966), “Đất nước và lời ca” (1978). Và tiếp tục cho đến đầu thập niên 1990, với các Tuyển tập, khi Nguyễn Xuân Sanh vào tuổi 80.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Những cống hiến của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh về nghệ thuật, về tâm huyết với đất nước, với Hội Nhà văn Việt Nam là rất to lớn và trân quý.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Xuân Sanh đã có những đóng góp lớn trong việc cách tân thơ. Ông là một trong số những nhà thơ tiên phong trong việc thúc đẩy phong trào Thơ Mới lấy lại “phong độ”. Cùng với các bạn của mình trong nhóm Xuân Thu nhã tập, Nguyễn Xuân Sanh đã góp phần làm mới Thơ Mới, đưa thơ Việt trở về nguồn gốc, trở về với tinh tuý, tinh hoa của dân tộc.

“Nguyễn Xuân Sanh làm thơ là chạm trổ ngôn ngữ, chạm trổ ngôn từ. Phải học tinh thần khổ chữ, đau chữ và phu chữ của Nguyễn Xuân Sanh thì mới thấy thơ ông hay và hàm súc - là một trong những phẩm chất quý của thơ ca, bài học cho chúng ta ngày hôm nay”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Nguyễn Xuân Sanh còn là người có những đóng góp đáng kể, đáng ghi nhớ về thể thơ văn xuôi. Có lẽ sau Hàn Mặc Tử, thì Nguyễn Xuân Sanh là người đặc biệt có thơ văn xuôi trước cách mạng thành công nhất, ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho thơ văn xuôi với những tác phẩm hay.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, sau cách mạng, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tham gia nhiều vào các hoạt động văn học nghệ thuật của Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể xem ông là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Năm 1957, Nguyễn Xuân Sanh được bầu là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo các nhà văn trẻ cho đất nước, nhiều năm ông phụ trách Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ, đến nay, nhiều người nhắc đến thầy Sanh với sự kính trọng, mến phục. Bên cạnh đó, ông còn là người có công đầu trong việc mở cánh cửa Hội Nhà văn Việt Nam tiếp xúc với thế giới. Đặc biệt ông trực tiếp dịch nhiều thơ nước ngoài, góp phần giới thiệu nhiều tác gia văn học lớn của thế giới đến với bạn đọc Việt Nam.

Trong con mắt của các học trò ông đã từng dạy hay của những thế hệ nhà văn trẻ từng được gặp gỡ, tiếp xúc với ông, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là người sống đức độ và nhân cách.

“Gặp thầy là gặp nụ cười với sự phong nhã, lịch sự, trân trọng mọi người, lắng nghe mọi người… Chính vì vậy, thầy Sanh đã để lại hình ảnh ấn tượng sâu đậm với nhiều người...”, nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động chia sẻ.

Phương Lan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm