Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong xóa mù chữ và phổ cập giáo dục

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong xóa mù chữ và phổ cập giáo dục
Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức, mang lại sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Tại Việt Nam, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Cơ bản đạt được mục tiêu về xóa mù chữ

Biết đọc, biết viết là chìa khóa để tiếp thu kiến thức, kỹ năng sống và là một nhân tố phát triển xã hội và con người. Do đó, xóa nạn mù chữ là đầu tư một cách thông minh cho tương lai và là giai đoạn đầu tiên cho tất cả các hình thức phổ cập giáo dục mới trong thế kỷ XXI. Xóa mù chữ còn là việc làm mấu chốt để hạn chế đói nghèo, giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em, ngăn chặn đà tăng trưởng dân số, thiết lập bình đẳng giới và bảo đảm phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ.

Do đó, năm 1965, UNESCO đã chọn ngày 8-9 hằng năm là Ngày Quốc tế xoá nạn mù chữ. Ngày này được kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 1966 nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc biết viết đối với mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội.

Tại Việt Nam, ngay sau Ngày tuyên bố độc lập 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch xoá mù chữ, coi mù chữ như một “quốc nạn”, là một trong 3 loại "giặc" nguy hiểm, bên cạnh giặc đói và giặc ngoại xâm. Chưa đầy một tuần sau, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ trong cả nước. Chỉ sau một năm hoạt động Bình dân học vụ đã có hơn 2,5 triệu người biết chữ.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1979, Trung ương và Chính phủ lại chuẩn bị một bước phát triển mới của giáo dục bằng Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị, thực hiện khẩu hiệu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình. Năm 1987, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, ngành giáo dục đã đưa ra khẩu hiệu: Giữ vững ổn định và phát triển, nhằm khôi phục và đưa sự nghiệp giáo dục thoát khỏi khó khăn; tiếp tục thực hiện đường lối phát triển của Đảng, tiếp tục phong trào xóa mù chữ và phổ cập tiểu học...

Kết quả, đến cuối năm 2000, tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước với 98,03% số quận/huyện; 98,53% số xã/phường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ; 94% dân số trong độ tuổi 15-35 đã biết chữ. Đây thực sự là một mốc son lớn trong lịch sử giáo dục nước nhà.

Đến nay, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 97,65%, cơ bản đạt được mục tiêu của Đề án xóa mù chữ (đến năm 2020 đạt 98%). Trong đó, số người biết chữ trong độ tuổi 15-35 chiếm tỷ lệ 97,92%; số người biết chữ trong độ tuổi từ 36-60 chiếm tỷ lệ 96,35%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi 15-60 là 93,44%. 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ.

Cùng với chữ quốc ngữ, việc dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm. Hiện tại, việc dạy và học 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, M'Nông, Thái) đang được triển khai tại 23 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Sư Danh Sóc Kha tại chùa Tà Bết, xã Thạnh Lộc (Châu Thành, Kiên Giang) dạy tiếng Khmer cho các em nhỏ. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Sư Danh Sóc Kha tại chùa Tà Bết, xã Thạnh Lộc (Châu Thành, Kiên Giang) dạy tiếng Khmer cho các em nhỏ. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Hoàn thành sớm phổ cập giáo dục

Cùng với xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 39); “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút nguồn đầu tư khác cho giáo dục; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn” (Điều 61).

Kiên trì đường lối phát triển giáo dục như là một bộ phận quan trọng của công cuộc đổi mới, tháng 10-2013, Trung ương đã ra Nghị quyết 29 đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục với tinh thần chủ đạo là chuyển từ phát triển số lượng sang phát triển chất lượng, với khẩu hiệu thực học, thực nghiệp để giáo dục con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam và nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết Đại hội XI đề ra.

Nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất cho giáo dục, đào tạo, những năm qua, dù nguồn ngân sách còn hạn chế, Nhà nước vẫn ưu tiên duy trì mức chi khoảng 20% tổng ngân sách cho giáo dục, đào tạo. Nhờ đó, nước ta đã xây dựng được một hệ thống giáo dục quy mô và đầy đủ các cấp học ở mọi vùng, miền với các loại hình trường lớp đảm bảo nhu cầu học tập cho học sinh các cấp đúng độ tuổi. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (công bố ngày 15-3-2018) Việt Nam là một trong số 10 nước có hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương tiên phong trong đổi mới giáo dục.

Xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngành giáo dục cũng đang tích cực triển khai việc đổi mới nhận thức trong cán bộ quản lý, các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và cộng đồng xã hội; đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng thời chỉ đạo đổi mới đồng bộ cách tiếp cận và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng chuyển mạnh từ phương thức giáo dục nặng về trang bị kiến thức một chiều sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Sau nhiều nỗ lực, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học vượt trước 15 năm so với thời hạn của Mục tiêu Thiên niên kỷ (năm 2000). Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập trung học cơ sở và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tất cả các địa phương trong cả nước đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Việt Nam đã được UNESCO đánh giá xếp thứ 64/127 nước về phát triển giáo dục.

Tuy nhiên, công tác giáo dục ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, còn tồn tại khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức cả về nội dung và phương pháp. Giáo dục phổ thông mới quan tâm nhiều đến “dạy chữ”, mà chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; việc thi cử còn nặng về điểm số…

Để khắc phục những hạn chế trên, theo các chuyên gia, thời gian tới, ngành giáo dục cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng chuyển mạnh từ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học. Đồng thời, xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế đối với nền giáo dục... .
 
Minh Duyên (tổng hợp)
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm