Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc kỷ niệm 20 năm thành lập

Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc kỷ niệm 20 năm thành lập

Sáng 28/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (1/6/2000-1/6/2020) với sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu, Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú…

Nhạc sỹ, Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Thế Phiệt, Phó Viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc cho biết, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Nghệ thuật Dân tộc thành lập ngày 1/6/2000; đến năm 2003 Trung tâm đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc - thành viên duy nhất hoạt động về văn học nghệ thuật trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Sau 19 năm hoạt động hiệu quả, để nâng cấp các hoạt động khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, tháng 8/2019, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã  quyết định đổi tên Trung tâm thành Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc.

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Viện đã có hàng chục đơn vị trực thuộc như các cơ quan đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Đồng bằng Bắc Bộ, Hội thơ Đường luật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Quan họ truyền thống Bắc Giang, Trung tâm Văn hóa Âm thực dân tộc miền Bắc, Trung tâm Văn hóa Âm thực miền Nam, Trung tâm Đào tạo nghệ thuật Bảo Hà...

Trong 20 năm qua, Viện đã tập trung nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu để hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó có  5 đề tài nghiên cứu cấp bộ là: "Nghệ thuật Múa rối nước", "Tìm về cội nguồn Quan họ", "Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn", "100 năm Nghệ thuật Cải lương" và "Nghệ thuật Dân ca kịch Bài chòi". Bên cạnh đó, Viện phối hợp với nhiều địa phương, ban, ngành, đơn vị tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo khoa học, điển hình là hội thảo về các danh nhân lịch sử văn hóa, các văn nghệ sỹ nổi tiếng như Quang Trung, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đào Tấn, Á Nam Trần Tuấn Khải…; các hội thảo về nghệ thuật truyền thống dân tộc phục vụ cuộc sống hôm nay như tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, múa rối nước... Viện còn lập và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện dự án “Sân khấu học đường" và “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật"...  

Không chỉ nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá nghệ thuật văn hoá dân tộc ở trong nước, Viện còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam ra thế giới. Giáo sư Hoàng Chương nhiều năm được các trường đại học Mỹ mời sang giảng dạy về sân khấu Việt Nam, Đoàn múa rối nước mini Phan Thanh Liêm đã đi biểu diễn ở hàng chục nước Á – Âu; mang nghệ thuật dân gian Việt Nam biểu diễn giao lưu tại Liên hoan âm nhạc Quốc tế tại Tokyo…

Với nhiều thành tích đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc nước nhà, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Phương Hà 

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm