Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho các địa phương trong tỉnh có Di sản. Ảnh: Võ Dung-TTXVN |
Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam có hai hình thức chính là chơi Bài Chòi và Trình diễn Bài Chòi. Với khả năng trao truyền các tri thức văn hóa dân gian thông qua trò chơi và việc trình diễn, Bài Chòi đã trở thành hình thức sinh hoạt cộng đồng mang tính giáo dục cao.
Ngày 7/12/2017, tại Jeju, Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui lớn đối với các tỉnh, thành phố có di sản (gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định) nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Việc tổ chức đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là hoạt động văn hóa có ý nghĩa quan trọng. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị đặc sắc của Di sản nghệ thuật Bài Chòi mà qua đó còn góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh.
Ông Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Quảng Bình cùng với các tỉnh, thành có di sản, dưới sự chủ trì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam thông qua các hoạt động cụ thể, như: Tổ chức tập huấn và kiểm kê di sản hàng năm; nhận diện, tư liệu hóa di sản; phục hồi các thành tố đã mai một; xây dựng chương trình giáo dục, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó, tổ chức tôn vinh cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản...
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao hoa và cờ lưu niệm cho các tổ, nhóm, câu lạc bộ Bài Chòi tham gia Liên hoan Bài Chòi Quảng Bình. Ảnh: Võ Dung-TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, thành phố Đồng Hới cùng ngành Văn hóa và Thể thao, nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản Bài Chòi, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động của UBND tỉnh đối với công tác bảo vệ, phát huy bền vững giá trị di sản “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam”. Từ đó đưa Bài Chòi trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, tạo thêm sức hấp dẫn của quê hương Quảng Bình với bạn bè trong và ngoài nước.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức cũng đã khai mạc Liên hoan các tổ, nhóm, câu lạc bộ Bài Chòi tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất, năm 2019, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật Bài Chòi; tuyên truyền, giới thiệu một cách sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ những giá trị tiêu biểu của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - nghệ thuật Bài Chòi trên quê hương Quảng Bình. Từ đó, góp phần gắn kết, phát huy tiềm năng, tài nguyên di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương.
Ngay sau buổi lễ, Ban tổ chức đã tổ chức chơi Bài Chòi, thu hút đại biểu, nhân dân địa phương và du khách tham gia, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, sôi nổi đối với cả người chơi cũng như người xem.
Võ Dung