Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất cực Nam được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua nhiều kỷ nguyên thay đổi mực nước biển. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến toàn cầu cũng như Việt Nam với những tác động như hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn ngày càng tăng. Nhiều giải pháp đã được ban hành; từ sách lược của Đảng, Nhà nước đến những nghiên cứu chuyên gia, nhà khoa học, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, sự hợp tác của doanh nghiệp, sự chủ động người dân. Tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân nơi đây từng bước thay đổi. Để rồi, vận hội mới cho Đồng bằng sông Cửu Long đã đến từ những thế mạnh nông nghiệp sẵn có của vùng đất trù phú này.
Nâng vị thế “Hạt ngọc trời”
Với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước) và dân số khoảng triệu người (19% dân số cả nước), Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng) được bồi đắp phù sa màu mỡ, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Vùng đất này là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu khi đóng góp tới hơn 50% sản lượng lúa, trở thành vựa lúa số một cả nước; 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Thời gian qua, để ngày càng nâng cao vị thế lúa gạo - “Hạt ngọc trời” đối với Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều dự án hợp tác, nghiên cứu đã được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện tại đây. Dự án “Chuỗi giá trị gạo bền vững cho nông hộ nhỏ tại Đồng bằng sông Cửu Long” với nguồn kinh phí tài trợ khoảng 2,6 triệu AUD đến từ ngân sách Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia và Tập đoàn Sunrice (Australia) thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã và đang được đánh giá có hiệu quả thiết thực, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tín (Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ), Dự án nhằm mục tiêu thiết lập một chuỗi giá trị gạo cho năng suất cao, bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng cho gạo hạt ngắn nhiệt đới với những đặc tính cụ thể ở Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu của Sunrice.
“Thông qua dự án này, người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp cận được với những giống lúa tốt, cho năng suất cao, chống chịu được với những tác động của biến đổi khí hậu, đáp ứng các yêu cầu chất lượng cao của thị trường quốc tế. Người nông dân còn được nâng cao tri thức, thực hành các khâu thu hoạch đúng tiêu chuẩn, giúp giữ được phẩm cấp lúa và giá trị sản phẩm. Họ sẽ hiểu được thế nào là chuỗi giá trị gạo bền vững, từ đó có được lợi ích từ điều này. Từ việc phụ thuộc nhiều vào thương lái mỗi khi đến vụ, không tiếp cận được thị trường, thông qua dự án này, họ cũng được kết nối với các thị trường xuất khẩu giá trị cao”, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tín cho biết.
Điểm mới của Dự án này, theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tín, doanh nghiệp phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ tổ chức vùng sản xuất nguyên liệu sau đó mới ký hợp đồng với nông dân đối với những sản phẩm đạt chất lượng cao, tiếp cận được với các thị trường quốc tế. Điều này giúp tạo niềm tin, tinh thần hợp tác cho người nông dân, từ đó xây dựng mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.
Người nông dân được tiếp cận với thị trường quốc tế rộng lớn có sẵn của doanh nghiệp, được tiếp cận với những tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất, canh tác, thu hoạch để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Đây là hướng đi phù hợp với ngành lúa gạo của Việt Nam.
Từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, người nông dân không chỉ biết trồng lúa, thu hoạch gạo, họ còn nắm được tư duy bán hàng, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Nhờ đó, lúa gạo-một trong những thế mạnh nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được phát huy hiệu quả, đem lại giá trị thực sự cho những người nông dân cần cù, chịu khó nơi đây.
Nâng cao đời sống từ con cá tra
Cũng như lúa gạo, nhắc đến Đồng bằng sông Cửu Long, không thể không nhắc đến ngành cá da trơn (cá tra). Theo Tổng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện diện tích nuôi cá tra trên cả nước đạt khoảng 5.700 ha (chiếm 0,44% diện tích nuôi trồng thủy sản trên cả nước), tập trung tại các tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ với diện tích nuôi trồng rất nhỏ so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước nhưng sản lượng cá tra thu hoạch tại vùng này chiếm tới 30% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước.
Tuy nhiên, hiện ngành cá da trơn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu nhiều tác động từ giá cả vật tư, thức ăn tăng cao; biến đổi khí hậu đến những thất thoát trong quy trình sản xuất, thu hoạch. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra 7 tháng năm 2023 đạt kim ngạch 1 tỉ USD - giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành cá da trơn từ thực tế vận hành quy trình sản xuất, thu hoạch, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt - doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 thế giới cho biết, Công ty hiện đang cung cấp sản phẩm cho hơn 100 quốc gia, hiện tại có 18 vùng nuôi trong đó có 1 dự án lớn 600 hécta. Tuy nhiên, thời gian qua, doanh nghiệp và người nông dân nuôi cá tra trong khu vực rơi vào tình cảnh khó khăn chung của ngành cá tra.
Biên lợi nhuận của cá tra hiện ở mức thấp với mức thất thoát từ 2%-5%, nhiều khi tưởng có lời nhưng do thất thoát trong các quá trình nuôi trồng và thu hoạch, khiến lợi nhuận thu được rất ít, thậm chí lỗ. Trong quá trình thu hoạch, tỷ lệ cá “ngộp, chết” không còn tươi sống có thể lên tới 5%, khiến người nông dân chỉ bán được với mức giá thấp hơn nhiều so với cá sống. Hay con cá khi thu hoạch không đạt chuẩn chất lượng về cỡ, màu sắc… cũng không bán được giá.
Chưa kể, các vùng nuôi cá tra đều phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, trong khi đây lại là một trong những loài rất nhạy cảm với thời tiết và môi trường. Khi thời tiết cực đoan mưa bão nhiều do biến đổi khí hậu khiến thay đổi môi trường ao nuôi khiến tỷ lệ cá chết, hao hụt ngày càng tăng. Bên cạnh đó, giá thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất cá tra, cũng đã tăng cao so với cùng kỳ.
Để góp phần giảm khó khăn cho ngành cá da trơn, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển quốc tế Canada (IDRC) đồng tài trợ triển khai Dự án về “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong” với nhiều hợp phần thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương.
Theo đó, lần đầu tiên sẽ có một cơ quan chủ trì nghiên cứu dự án là một đơn vị của Việt Nam - Viện nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI) (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh); phối hợp thực hiện cùng trường Đại học An Giang. Về mục tiêu của dự án, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Yến Nhi (Đại học An Giang), cán bộ dự án cho biết: Dự án nhằm nâng cao nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm trong chuỗi giá trị cá tra cho nông dân, doanh nghiệp, các hiệp hội sản xuất cá tra, các viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý của Việt Nam và Lào, Campuchia (hai nước cùng phát triển ngành cá tra). Các đối tượng sẽ tham gia thiết kế, thử nghiệm và đánh giá; áp dụng các biện pháp can thiệp tối ưu; nâng cao sinh kế, lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp và toàn ngành cá tra. Dự án cũng nhằm nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm để có thể nhận biết các dấu hiệu thay đổi, dự đoán các nhu cầu về các biện pháp can thiệp và xây dựng các khuyến nghị chính sách cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Trong đó, các chuyên gia sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan cải thiện con giống, môi trường ao nuôi, quản lý chất lượng nguồn nước… Khởi động vào tháng 7/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, kéo dài đến 30/6/2026, Dự án sẽ có những tác động tích cực lên chuỗi giá trị cá tra ở khu vực.
Ông Nguyễn Văn Vỹ - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, đơn vị tiên phong tham gia Dự án nói: “Chỉ cần Dự án mang lại lợi nhuận 1% đã là rất tốt đối với bà con, trong tình hình con cá tra biến động liên tục như hiện nay. Nếu dự án thành công mang lại lợi ích rất lớn cho bà con cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi cá tra”.
Theo các chuyên gia, việc tìm giải pháp cải thiện con giống, tăng năng suất, đồng thời giảm thiểu thất thoát thực phẩm ở các giai đoạn sau thu hoạch sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị cá tra ở Việt Nam. Hướng đi này vô cùng thiết thực ở các quốc gia thiếu điều kiện bảo quản thực phẩm, cơ sở hạ tầng giao thông và việc tiếp cận các công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế. Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cá tra là một trong những nguồn sinh kế quan trọng của nông dân nơi đây. Cải thiện quy trình sản xuất, thu hoạch cá tra cũng chính là cải thiện đời sống của nông dân nói riêng, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong bối cảnh hiện nay. Lúa gạo cũng như cá da trơn chính là nhân tố quan trọng đem lại vận hội mới cho vùng đất cực Nam của Tổ quốc./.
Thu Phương