Việc học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc các huyện vùng cao Nghệ An nghỉ học sau mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày đã diễn ra trong nhiều năm, kéo theo nhiều hệ lụy. Trước thực trạng trên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cùng với hệ thống chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp mang lại hiệu quả, cần được nhân rộng.
TTXVN xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài viết phản ánh về thực trạng này cũng như hành trình gian nan vận động học sinh trở lại lớp của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An và chính quyền địa phương .
Bài cuối: Những giải pháp căn cơ
Nâng cao nhận thức
Kỳ Sơn là huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An, cũng là địa phương thuộc diện nghèo nhất nước. Tại địa bàn, người dân chủ yếu là dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái…, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó có vấn nạn tảo hôn. Theo thống kê, năm 2023, Kỳ Sơn có khoảng 220 trường hợp tảo hôn, tăng gần gấp đôi những năm trước. Các trường hợp tảo hôn chủ yếu đang theo học các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn. Hầu hết những trường hợp tảo hôn đều xảy ra vào dịp đầu năm, khi các em nghỉ học về nhà ăn Tết, rồi gặp gỡ, quen nhau…
Trước thực trạng trên, ngay từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cùng UBND huyện Kỳ Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho các em ngay tại trường học. Đặc biệt, lần đầu tiên, UBND huyện Kỳ Sơn đã tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 18/18 trường Trung học Cơ sở trên địa bàn. Thông qua cuộc thi, những kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được tuyên truyền đến các học sinh.
Ông Phạm Viết Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, để giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, nhất là đối với các em ở bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Giáo dục thường xuyên bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, ngay từ thời điểm khai giảng, Phòng đã yêu cầu các trường rà soát, tổ chức tuyên truyền; đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa học sinh với nhà trường về nội dung không vi phạm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, sau Tết, tình trạng học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng đã giảm rõ rệt. Sau Tết Nguyên đán năm 2023, địa phương có 56 học sinh bỏ học, thì sau Tết Nguyên đán năm 2024, chỉ còn 9 em bỏ học. Các Tổ vận động đang tiếp tục thuyết phục 9 em này trở lại lớp.
Bên cạnh những giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh, huyện Kỳ Sơn đã tiến hành xử phạt hành chính 84 trường hợp tảo hôn. Đây cũng được xem là giải pháp vừa có tác dụng răn đe kịp thời, vừa là cách tuyên truyền hiệu quả.
Đẩy mạnh hướng nghiệp
“Học để làm gì?” Trở thành câu hỏi được nhiều học sinh vùng cao quan tâm, nhất là đối với những em có ý định bỏ học. Bởi hầu hết các em sức học yếu, điều kiện kinh tế khó khăn, ít trường hợp có thể theo học hết lớp 12, thi Đại học hay Cao đẳng. Phần lớn các em lo lắng học xong không xin được việc, tình trạng đói nghèo, lạc hậu vẫn đeo bám.
Nhận thức rõ điều đó, bên cạnh tăng cường tuyên truyền, vận động, một số trường đã cùng với địa phương đẩy mạnh hướng nghiệp. Liên tiếp trong 3 năm qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lượng Minh (huyện Tương Dương) đẩy mạnh việc hướng nghiệp cho học sinh. Sau khi học xong lớp 9, các em được tư vấn tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc để lấy bằng Kỹ sư.
Thầy giáo Trần Hưng Thái, Hiệu trưởng của trường cho biết, ngoài việc vận động, tuyên truyền cho học sinh, các phụ huynh, nhà trường đã đẩy mạnh việc hướng nghiệp để học sinh theo học các lớp đào tạo nghề, giúp các em có động cơ tiếp tục theo học. Bởi, xã hội đang có nhu cầu lớn về lao động có tay nghề, trong khi năng lực cũng như điều kiện của các em không thể theo học các trường Đại học. Hiện, khóa học sinh đầu tiên theo học tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc đã có 22 em tốt nghiệp Cao đẳng, lấy bằng Kỹ sư, đã được nhận vào làm việc tại một số tập đoàn như LG, Sam Sung ở Bắc Ninh, Hải Dương... với thu nhập 8-11 triệu đồng/tháng; 7 em đang học tiếng Hàn Quốc để xuất khẩu lao động theo chương trình do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hỗ trợ.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, để giảm thiểu tình trạng học sinh nghỉ học sau các kỳ nghỉ lễ dài ngày, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp cho từng địa phương, từ đó chỉ đạo các địa phương ban hành các giải pháp, kế hoạch phù hợp. Ngành thường xuyên phối hợp với địa phương, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các tổ chức khác để triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền vào các dịp lễ, Tết, nghỉ Hè…, khi các em về địa phương. Sở cũng yêu cầu các nhà trường, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú có nhiều hoạt động bổ ích, nhiều sân chơi lành mạnh, giúp các em vừa có kỹ năng sống, vừa tăng hiểu biết pháp luật.
Ngoài ra, những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp tại các cấp học từ Trung học Cơ sở đến Trung học Phổ thông. Đối với những học sinh không muốn thi lên Trung học Phổ thông, nhà trường sẽ hướng nghiệp cho các em theo học nghề. Từ đó, các em có điều kiện vừa học nghề vừa học văn hóa. Nhờ sự quyết liệt của của ngành, địa phương, tình trạng học sinh bỏ học để đi làm công nhân, lấy vợ, lấy chồng sau các dịp Tết, nghỉ Hè, nghỉ lễ dài ngày ở nhiều địa phương đã giảm rõ rệt.
Có thể nói, việc vận động học sinh có nguy cơ bỏ học, nhất là đối với những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở lại trường tại các khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và nhà trường, cũng như sự quyết liệt của chính các bậc phụ huynh trong việc vận động con em trở lại trường, công tác hướng nghiệp, tạo động cơ để các em đến trường đang là giải pháp bền vững.
Văn Tý