Vận động học sinh vùng núi trở lại trường sau nghỉ lễ (Bài 1)

Sau các kỳ nghỉ lễ dài ngày, tình trạng học sinh bỏ học ở các địa phương vùng sâu, vùng xa diễn ra khá phổ biến. Mặc dù chính quyền địa phương, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp tuy nhiên tình trạng trên vẫn chưa thể chấm dứt. Tại các huyện miền núi tỉnh Nghệ An, sau mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày (như nghỉ hè, nghỉ Tết), công tác vận động học sinh đến lớp trở thành nhiệm vụ thường xuyên các giáo viên, tổ chức, đoàn thể. Bên cạnh những em bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn, tình trạng học sinh bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, đi làm công nhân khi mới chỉ 14 - 15 tuổi đang kéo theo nhiều hệ lụy.

Phóng viên TTXVN có chùm 3 bài viết phản ánh về thực trạng này cũng như hành trình gian nan vận động học sinh trở lại lớp của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An và chính quyền địa phương.

Bài 1: Thực trạng và hệ lụy

Sau mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày, tình trạng học sinh bỏ học lại nóng lên ở các địa phương vùng cao tỉnh Nghệ An. Dù Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã trôi qua gần 3 tuần, trong khi những trường học vùng xuôi đã ổn định sĩ số, tại các huyện miền núi, nhiều em vẫn chưa trở lại trường học, thậm chí có nguy cơ bỏ học. Dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt.

vna_potal_hanh_trinh_dua_hoc_sinh_vung_nui_tai_nghe_an_tro_lai_truong_sau_nhung_ky_nghi_le_dai_7268845.jpg
Bản Chăm Puông, xã Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) với đa số đồng bào người dân tộc Khơ Mú sinh sống. Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Thực trạng dai dẳng

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trên địa bàn xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) có 96 học sinh không trở lại trường học, tập trung nhiều ở bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông. Riêng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lượng Minh có đến 24 em không trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Đây cũng là trường có số học sinh nghỉ học nhiều nhất xã Lượng Minh. Trước thực trạng này, nhà trường đã cùng với cấp ủy, chính quyền xã tăng cường các biện pháp vận động được 19 em trở lại trường. Hiện, 5 em chưa đến trường và có nguy cơ bỏ học.

Theo bà Võ Thị Tuyết Chinh, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, thực trạng học sinh không trở lại học sau kỳ nghỉ Tết là câu chuyện muôn thủa đối với các huyện miền núi nói chung, huyện Tương Dương nói riêng. Do đó, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất thực trạng này. Có thời điểm, ở bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông đã có trên 200 học sinh nghỉ học. Dù chính quyền địa phương và ngành Giáo dục đã có nhiều biện pháp vận động nhưng hiện vẫn còn trên 50 em (cấp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông) chưa trở lại trường và có nguy cơ bỏ học.

Tại huyện biên giới Kỳ Sơn, tình trạng này cũng diễn ra phổ biến. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, toàn huyện có trên 56 học sinh không trở lại trường, có nguy cơ bỏ học. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự vận động của nhà trường, hiện chỉ có 9 em chưa đi học ở lại.

Theo thầy Đinh Tiến Hoàng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), sau Tết thường kèm theo nhiều lễ hội nên các em hay đi chơi. Với tập quán lấy vợ, lấy chồng sớm cùng ảnh hưởng của mạng xã hội và sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhiều học sinh, nhất là ở bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông bỏ học ở nhà lấy vợ, lấy chồng. Một số em theo chân người lớn đi làm lao động tự do. Năm 2024, trong số 8 trường hợp có nguy cơ bỏ học của nhà trường thì có 4 học sinh ở nhà để lấy vợ, chồng. Đây đều là các em người dân tộc Mông. Nhà trường đã nhiều lần vận động nhưng hiện vẫn còn 2 em không đến lớp.

Theo thống kê, toàn huyện Kỳ Sơn có gần 11.000 lao động đang đi làm ăn xa; trong đó nhiều gia đình cả bố và mẹ đều không ở nhà, con do người thân nuôi dưỡng. Không được bố mẹ chăm sóc, kèm cặp, nhiều em về ở với nhau. Trong số 9 học sinh không đi học trở lại trên địa bàn huyện có đến 6 trường hợp tảo hôn lấy vợ, lấy chồng sớm. Các em mới chỉ ở độ tuổi 14 - 15 tuổi.

Nhiều hệ lụy

Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng tình trạng học sinh bỏ học để đi làm tự do diễn ra khá phổ biến, nhất là sau các dịp nghỉ lễ dài ngày. Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương cho biết, đồng bào sinh sống trên địa bàn chủ yếu là dân tộc Khơ Mú, Mông… Đời sống kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế nên chưa lường trước được những nguy cơ trẻ gặp phải khi đi làm lao động tự do. Đơn cử như trường hợp em Cụt Văn Quân lớp 7C, Trường Trung học Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lượng Minh. Sau khi em nghỉ học, tổ vận động đã trực tiếp đến nhà vận động 2 lần. Em đã hứa sẽ quay lại trường. Tuy nhiên, đến lần vận động thứ 3, mọi người mới phát hiện em đã theo chị gái vào Quảng Nam làm việc trong mỏ vàng. Hiện, chính quyền cũng chưa liên lạc được với chị gái để đưa em Quân về.

Tình trạng học sinh bỏ học, nhất là các em ở bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông ở nhà để lấy vợ, lấy chồng khiến trẻ bị thất học; đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài. Tại xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), năm 2024 trên địa bàn có 21 trường hợp tảo hôn. Sau khi Tổ công tác của xã tổ chức vận động, 13 trường hợp không tổ chức cưới nữa (trong đó có 4 em quay trở lại trường học).

Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết, tình trạng tảo hôn vẫn là hiện tượng nóng trên địa bàn và gây ra nhiều hệ lụy như: Các em không được học hành dẫn đến thiếu kỹ năng sống; nhiều trường hợp chỉ sau thời gian ngắn về chung sống đã bỏ nhau. Lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi, cơ thể chưa phát triển toàn diện đối với cả nam và nữ đều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Đặc biệt, việc làm mẹ sớm cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, việc bỏ học và kết hôn sớm cũng làm các em mất cơ hội học tập, học nghề và tìm kiếm việc làm sau này. Vì vậy, cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn do thu nhập không đảm bảo; việc nuôi dạy con cũng sẽ bị ảnh hướng dẫn đến trẻ nhỏ bị thiệt thòi. (Còn tiếp- Bài 2: Hành trình gian nan).

Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm