Đây được xem là chiếc nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ XIII. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển, được coi là danh sơn đất Việt. Ngay từ thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến tu hành và đắc đạo ở đây. Yên Tử cũng là nơi Vua Trần Nhân Tông – một vị Vua đang thời thịnh trị (cuối thế kỷ XIII) đã từ bỏ ngai vàng đến tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Vị Tổ thứ hai và thứ ba kế tục sự nghiệp của ông là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc đương thời. Qua nhiều thăng trầm, các di tích còn lại ở Yên Tử đã tìm thấy gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, bia, tượng, hội tụ của nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc của các thời đại.
Ngày nay, danh thắng Yên Tử là một điểm du lịch lễ hội nổi tiếng ở Quảng Ninh cũng như miền Bắc. Để vãn cảnh chùa Đồng, khách thập phương có thể leo núi hoặc đi cáp treo.
Tuyến cáp treo Hoàng Long đi từ thung lũng Giải Oan nơi chân núi Yên Tử lên điểm phía Tây chùa Hoa Yên. Tuyến Bạch Long đi từ điểm phía Đông chùa Một Mái đến gần khu tượng An Kỳ Sinh. Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử là điểm dừng chân cuối cùng cũng là điểm cao nhất.
Một số hình ảnh về danh thắng nổi tiếng này.
|
Các nhà khách, nhà chờ khách dẫn vào ga cáp treo đầu tiên dưới chân núi được xây dựng mang dáng dấp kiến trúc đình, chùa, trong đó có trưng bày một số hiện vật gạch ngói thời Trần. |
|
Hệ thống cáp treo ở Yên Tử |
|
Đường lên Tháp Tổ |
|
Huệ Quang Kim Tháp nơi thờ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông |
|
Tháp Tổ là nơi thờ Xá Lợi của Điều Ngự Giác Hoàng (Vua Trần Nhân Tông). Tháp xưa hình trụ bát giác đã bị đổ, tháp hiện nay hình trụ tứ giác, mới được làm lại vào thời Lê trung hưng. |
|
Cây đại cổ trước chùa Hoa Yên |
|
Thân và gốc xù xì, rêu phong thời gian nhưng cây đại cổ vẫn đâm chồi nảy lộc. |
|
Chùa Hoa Yên tọa lạc trên núi Yên Tử ở độ cao 516m do Thiền sư Hiện Quang khai sơn... |
|
Đây là nơi chứng kiến đức Vua Trần Nhân Tông sau khi dứt bỏ hồng trần đã hướng tâm về nơi Phật pháp và lập ra Thiền phái riêng mà ngày nay mọi người vẫn gọi là Thiền phái Trúc Lâm. |
|
Chùa Một Mái nằm chênh vênh trên vách núi |
|
Tương truyền Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập am Ly Trần (thoát cõi trần) để làm nơi đọc sách, soạn kinh. Sau khi đức Điều Ngự viên tịch, am xưa được dựng thành ngôi chùa Bồ Đà, một nửa mái chùa là vòm động, một nửa mái chùa phô ngoài trời nên chùa có tên là Bán Thiên, Bán Mái, ngày nay gọi là chùa Một Mái. |
|
Pho tượng đá An Kỳ Sinh (hay còn gọi là Yên Kỳ Sinh) tọa lạc ngay giữa đỉnh Yên Tử, đoạn từ chùa Vân Tiêu đi lên chùa Đồng. Là tượng đá nguyên khối, lại đứng giữa đất trời hàng nghìn năm. Nhiều người dân ở đây cho rằng tượng đá An Kỳ Sinh là một khối đá thiên tạo, dáng hình giống một nhà sư mặc áo chùng thâm, hai tay cung kính chắp trước ngực, nhà sư thanh thản đứng giữa đất trời, tà áo bay trong gió. |
|
Tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông lớn nhất Việt Nam, cao 15m, nặng 138 tấn, tọa lạc trên đỉnh An Kỳ Sinh có độ cao 900m so với mặt nước biển. |
|
Chùa Đồng - điểm dừng chân cuối cùng cũng là điểm cao nhất ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. |
|
Theo dân gian, chùa Đồng – Yên Tử là nơi con người có thể cầu nguyện được “sinh lực của vũ trụ” cho mọi mặt của cuộc đời. Dòng sinh lực vũ trụ này như mọi nguồn hạnh phúc chảy xuống mặt đất làm nảy nở sự sống, là nơi mà tín đồ, phật tử đặt niềm tin vào sự linh ứng mỗi lần đến thăm viếng để được nhập vào nguồn sinh khí vô biên đó. |