Vaccine phòng COVID-19 - Lá chắn bảo vệ trẻ (Bài 2)

Vaccine phòng COVID-19 - Lá chắn bảo vệ trẻ (Bài 2)

Bài 2: Nhiều giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm cho trẻ

Nhờ có vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh. Hiệu quả của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 ai cũng thấy. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi vẫn còn thấp, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại ở trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng như vậy. Để nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra, nhiều địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho trẻ.

Vaccine phòng COVID-19 - Lá chắn bảo vệ trẻ (Bài 2) ảnh 1Học sinh thành tại phố Sơn La tiêm vaccine COVID-19 tại Bệnh viện đa khoa Cuộc Sống. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 3/10, cả nước tiêm được hơn 260,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 220,5 triệu liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là gần 23 triệu liều; trẻ từ 5-11 tuổi là trên 16,7 triệu liều.

Tỷ lệ trẻ từ 12- dưới 18 tuổi, tiêm liều cơ bản đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 là trên 58%. Tỷ lệ trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, tiêm mũi 1 đạt trên 88%, mũi 2 đạt trên 61%.

Trong thời gian gần đây, số ca mắc mới COVID-19, số ca phải nhập viện và tăng nặng có chiều hướng gia tăng. Trong khi, tại một số địa phương, tiến độ tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi còn chậm, thấp so với mục tiêu và kỳ vọng đặt ra.

Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em thấp nhất của tỉnh Thanh Hóa. Sau gần 4 tháng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1 của trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi mới đạt trên 39%. Tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt trên 83% và mũi 2 đạt trên 60%.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng tại Nghi Sơn còn thấp là do các đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 diễn ra trong những tháng học sinh nghỉ hè; sự kết nối giữa nhà trường với phụ huynh, sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục của thị xã còn nhiều hạn chế.

Bác sỹ Chuyên khoa I Lê Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn chia sẻ, tháng 6 bước vào giai đoạn nghỉ hè, việc huy động học sinh đến điểm tiêm chủng gặp khó khăn vì các gia đình vào hè bận hoặc có nhiều lý do không muốn cho các cháu đi tiêm. Điều này dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp so với kế hoạch đề ra. Trước thực trạng đó, Trung tâm Y tế thị xã đã kịp thời tăng cường tuyên truyền, vận động để gia đình đưa các cháu đi tiêm vaccine theo kế hoạch. Trạm y tế các xã, phường trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đang tích cực phối hợp với các nhà trường đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, UBND thị xã Nghi Sơn đã mở đợt cao điểm tiêm chủng, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, quyết liệt, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ở nhóm đối tượng này, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Tại Phú Yên, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt tỷ lệ cao với người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại địa phương vẫn đạt mức thấp so với cả nước. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt trên 73%, mũi 2 chỉ đạt trên 44%. Đối với nhóm tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, tỷ lệ tiêm các mũi cơ bản đạt xấp xỉ 100% nhưng liều nhắc lại lần đầu (mũi 3) hiện mới chỉ đạt trên 22%.

Để tăng tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em, bắt đầu từ ngày 10/8, Sở Y tế tỉnh Phú Yên phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, các điểm tiêm vaccine được tổ chức ngay tại các trường học để tạo thuận tiện cho phụ huynh và học sinh. Ngành Y tế Phú Yên cam kết cung ứng đầy đủ vaccine phòng COVID-19, vật tư tiêm chủng; liên tục cập nhật địa điểm tiêm chủng, thời gian, loại vaccine…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Giáo dục và đào tạo quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên trong từng nhà trường phải đưa được các thông điệp về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đến cho từng phụ huynh, đặc biệt là làm sao để phụ huynh ý thức được trách nhiệm đưa con em đi tiêm vaccine để đảm bảo sức khỏe.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên Nguyễn Thị Ngọc Ái cho biết, nhận thức việc tiêm vaccine phòng COVID-19 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ cho trẻ trong tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; là việc làm cần thiết để học sinh đến trường an toàn, vui khỏe, Sở đã chỉ đạo các trường “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, tuyên truyền phụ huynh đưa con em đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Đồng thời, Sở chỉ đạo các trường phối hợp với Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn để tổ chức các chiến dịch tiêm chủng tại trường học.

Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, xem xét trách nhiệm các cấp, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vaccine để khẩn trương có biện pháp khắc phục.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, để tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em, trước hết, ngành Y tế phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tập trung đẩy mạnh truyền thông về tác dụng, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 đến người chăm sóc trẻ, gia đình, cộng đồng, giúp họ hiểu thêm về vai trò bảo vệ của vaccine đối với trẻ em; ý nghĩa của việc tiêm vaccine là tạo ra miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, phải luôn sẵn có nguồn vaccine để bất cứ khi nào người dân cần đều đáp ứng được. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các cán bộ y tế khi thực hiện các chương trình tiêm chủng. Ví dụ: cần có chế độ đãi ngộ phù hợp; có các chính sách để làm sao việc hao phí vaccine không gây căng thẳng, áp lực cho cán bộ y tế... Đó là những điều kiện sẽ thúc đẩy hoạt động tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.

Một trong những biện pháp được Bộ Y tế khuyến khích để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho trẻ em là kết hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục các địa phương, chú trọng các điểm tiêm lưu động, an toàn ngay tại trường học.

Nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 hiện đang khá lớn. Do vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ là hết sức cần thiết. (Xem tiếp Bài 3: Giải pháp cần thiết để bảo vệ trẻ)

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm