Ngày 6/1, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết: Vắc xin là chế phẩm có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh đã bất hoạt hoặc còn sống nhưng giảm độc lực; hoặc từ một phần cấu trúc của vi sinh vật gây bệnh. Bà Dương Thị Hồng khẳng định: Vắc xin phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam luôn được bảo quản nghiêm ngặt trong dây chuyền lạnh từ khâu vận chuyển đến bàn tiêm chủng ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C. Ngay tại tuyến tỉnh, huyện, vắc xin cũng luôn được bảo quản theo đúng hướng dẫn. Theo đó, có 2 nhóm vắc xin là vắc xin nhạy cảm với nhiệt độ cao và vắc xin nhạy cảm với đóng băng. Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C thì có độ bền vững trong 4 năm; ở nhiệt độ 20 – 25 độ C thì có độ bền vững trong nhiều tháng; ở nhiệt độ 37 độ C thì vắc xin có độ bền vững trong nhiều tuần.
|
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phản ứng sau tiêm chủng là bất kỳ sự kiện bất lợi nào xảy ra sau khi tiêm chủng và sự kiện đó không nhất thiết liên quan đến việc sử dụng vắc xin. Cũng giống như thuốc, khi tiêm chủng mỗi cơ thể có phản ứng với vắc xin khác nhau nên có người sau tiêm chủng bị đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, một số rất ít có thể bị phản ứng nặng hơn như sốc. Thực tế, có trường hợp cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin nhưng có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác cùng tiêm vắc xin bình thường. Đó là do cơ địa mỗi người khác nhau. Tiến sỹ Dương Thị Hồng nhấn mạnh: Phản ứng sau tiêm chủng ảnh hưởng đến tiềm tin, sự hưởng ứng của cộng đồng và các bậc cha mẹ; ảnh hưởng đến các cán bộ tiêm chủng mở rộng; đồng thời ảnh hưởng đến sự ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng. Đặc biệt, phản ứng sau tiêm làm giảm tỷ lệ tiêm vắc xin dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao. Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến phản ứng sau tiêm chủng. Thứ nhất, phản ứng liên quan đến vắc xin là phản ứng của từng cá thể với đặc tính vốn có của vắc xin, ngay cả khi vắc xin đã được sản xuất, bảo quản, vận chuyển và chỉ định một cách chính xác. Thứ hai, phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng là do việc bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vắc xin không đúng. Loại phản ứng thứ 3 liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng như ngất xỉu, thở nhanh, choáng váng, chóng mặt khó thở... Thứ tư là có sự trùng hợp ngẫu nhiên là phản ứng gây ra bởi một nguyên nhân khác không phải là do vắc xin, không phải do sai sót tiêm chủng mà do bệnh lý sẵn có của trẻ. Giai đoạn này, trẻ rất dễ nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh kể cả tử vong và rất dễ đổ lỗi do tiêm chủng. Đặc biệt, nhiều trường hợp phản ứng sau tiêm chủng không tìm được nguyên nhân. Để phòng và xử lý phản ứng sau tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng phải tư vấn về xử trí với các phản ứng thông thường (như sốt, sưng, đau tại chỗ tiêm...) cho cha mẹ; hướng dẫn gia đình cho trẻ quay lại cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm (như co giật có sốt, bệnh não, sốc phản vệ...). Cơ quan y tế không khuyến khích sử dụng các biện pháp dân gian điều trị phản ứng vắc xin có thể có nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người được tiêm vắc xin. Đặc biệt, cán bộ y tế phải biết và chống chỉ định tiêm chủng một số vắc xin nếu có nguy cơ dị ứng nặng với vắc xin hoặc các thành phần của vắc xin (ví dụ như vắc xin sống không nên dùng cho trẻ suy giảm miễn dịch)...