Sáng 26/9, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công điện số 03 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022 có dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến thời tiết khu vực Bắc Tây Nguyên.
Theo dự báo, từ ngày 27/9 đến sáng 29/9, thời tiết khu vực tỉnh Gia Lai có mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa trong cả đợt phổ biến từ 100 - 250 mm, cục bộ có nơi lượng mưa lớn hơn 300 mm.
Trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc tại các xã, phường: Phù Đổng (thành phố Pleiku), Đak Rong (huyện K'bang), Ia Sươm, Ia Mlah, Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar (huyện Krông Pa), Đak Pling (huyện Kông Chro), Ia Ake (huyện Phú Thiện). Một số địa phương khác có sông, suối cần thường xuyên theo dõi thời tiết để giảm thiểu thiệt hại.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai nhận định, mặc dù các dự báo về quỹ đạo của bão số 4 tương đối thống nhất giữa cơ quan dự báo quốc tế cũng như Việt Nam nhưng diễn biến, cường độ còn khá phức tạp. Dự báo cường độ bão còn có thể thay đổi khi đi vào giữa Biển Đông và áp sát bờ. Vì vậy, chính quyền địa phương thường xuyên hướng dẫn bà con theo dõi, cập nhật bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất. UBND tỉnh tích cực rà soát thông tin để có phương án dự phòng, di dời người dân tại khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao từ cơn bão này.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư, chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Trong đó, tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động biện pháp phòng, chống giảm thiểu thiệt hại...
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải có phương án rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết không đảm bảo an toàn trước khi mưa, bão ảnh hưởng và đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, nước uống.
Các chủ đầu tư, chủ hồ tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Đói với các hồ đã đầy nước, cơ quan chức năng cần chủ động điều tiết để đảm bảo cao trình mực nước đón lũ theo quy định; thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại hồ đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi bão vào và sau khi bão kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt. Ngành chức năng triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời xử lý sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.
Hồng Điệp