Sau khi được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân” vào năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định) đã cung cấp cho các hộ dân trồng bưởi da xanh trên địa bàn mã QR Code để khách hàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm này trên thị trường.
Khi dùng phần mềm trên điện thoại thông minh để quét mã QR Code, mọi thông tin về sản phẩm “Bưởi Hoài Ân” sẽ được người tiêu dùng nắm rõ, như bưởi được trồng ở đâu, vào thời gian nào, của hộ dân nào, theo tiêu chuẩn nào, đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý.
Hơn một năm nay, sản phẩm bưởi da xanh của ông Trần Công Tám, thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) đều được dán mã QR Code trước khi xuất bán ra thị trường. Ông Tám chia sẻ, khi truy xuất nguồn gốc, khách hàng sẽ biết được địa chỉ nơi trồng. Nếu sản phẩm không đảm bảo sẽ rất khó bán lần sau. Còn nếu sản phẩm tốt thì khách hàng sẽ đến tận nhà để mua.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, toàn huyện có 300 ha trồng bưởi da xanh. Trong sô đó, có trên 150 ha cây đã cho ra quả. Với hiệu quả kinh tế cao so với với các loại cây trồng khác, bưởi da xanh được xem là cây trồng thế mạnh địa phương.
Sau khi được công nhận nhãn thương hiệu sản phẩm, huyện Hoài Ân đã xúc tiến thành lập 2 hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm bưởi cho người dân. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cũng hỗ trợ cung cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các hộ trồng bưởi trong 2 hợp tác xã này.
Từ khi ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi Hoài Ân, các thành viên trong hợp tác xã đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc trồng bưởi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn. Đặc biệt là không sử dụng thuốc hóa học và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho cây.
Về phía Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, khi xác định sản phẩm của hộ trồng bưởi nào được cung cấp mã QR Code, đơn vị tích cực hướng dẫn cho hộ đó từ khâu tỉa cành, tạo tán cây đến việc bón phân, chăm sóc cây, chăm sóc quả. Ngoài ra, khi cấp mã QR Code, trung tâm thực hiện cam kết với các hộ phải thu hoạch đúng độ chín, thực hiện đúng quy trình bảo quản và sơ chế.
“Cây bưởi da xanh đã khẳng định được tiềm năng trên đất Hoài Ân. Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo từ cây bưởi. Với giá bưởi da xanh dao động từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg như hiện nay, nhiều hộ dân trồng với quy mô lớn hoàn toàn có thể làm giàu từ cây bưởi. Cùng với việc xây dựng nhãn thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bưởi da xanh của huyện Hoài Ân sẽ có chỗ đứng vững vàng trên thị trường”, bà Phượng nói.
Ngoài bưởi da xanh, hiện nay huyện Hoài Ân cũng đã áp dụng cấp mã QR Code truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trà Gò Loi, dừa xiêm và quýt của nhiều hộ dân trên địa bàn. Khi cấp mã QR Code, nông dân sẽ dễ kết nối được thị trường, tạo lòng tin cho khách hàng khi mua sản phẩm.
Tường Quân