Ứng dụng công nghệ để phát hiện cháy rừng hiệu quả

Để chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố và các chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên để mọi người hiểu rõ, tự giác chấp hành.

996_36.jpg
Cán bộ Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ sử dụng phần mềm quản lý bảo vệ rừng. Ảnh: baovinhphuc.com.vn

Đặc biệt, các cơ quan truyền thông trên địa bàn kịp thời truyền tải thông tin về diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố có rừng thực hiện tốt quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, nhất là quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, chi cục kiểm lâm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS và các công nghệ hiện đại trong quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả; hướng dẫn chủ rừng áp dụng các biện pháp phù hợp để phục hồi rừng sau cháy như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung hoặc trồng rừng mới,…

Vĩnh Phúc yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thành phố có rừng chủ động có phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn đóng quân, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra; phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố có rừng, các đơn vị liên quan kịp thời truyền tải thông tin về diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và vùng địa phương lân cận có nhiều đồi núi, địa hình phức tạp. Riêng Vườn quốc gia Tam Đảo nằm theo những núi lớn dài trên 80 km, rộng 10 -15 km chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, trải rộng trên ba tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Tam Đảo), Thái Nguyên (huyện Đại Từ) và Tuyên Quang (huyện Sơn Dương).

Đây là dãy núi có trên 20 đỉnh cao từ 1.000 m trở lên so với mặt nước biển, ở đây có đặc điểm là đỉnh nhọn, sườn rất dốc, độ chia cắt sâu. Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 34.995 ha; trong đó, có 26.163 ha rừng, chủ yếu là dạng rừng tự nhiên mưa ẩm thường xanh với độ che phủ chiếm 70% diện tích toàn vườn.

Vườn quốc gia Tam Đảo cũng tồn tại một số kiểu rừng khác như rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng lùn trên đỉnh núi, rừng tre nứa, rừng phục hồi sau khai thác, rừng trồng, trảng cây bụi, trảng cỏ. Thời gian qua, Vườn quốc gia Tam Đảo luôn trong tình trạng khô hạn, lượng mưa ít...và có nguy cơ cháy rất cao. Đây là một trong những vấn đề rất đang lo ngại bởi khi xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn việc phòng cháy, chữa cháy gặp không ít khó khăn, trở ngại bởi người và phương tiện tiếp cận đám cháy không dễ dàng...

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên để sử dụng vào mục đích khác; diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2023, việc sử dụng, phát triển rừng tại Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành quả tích cực; trong đó, trồng rừng tập trung đạt 703,1 ha/700 ha kế hoạch; trồng cây phân tán đạt 889,6 nghìn cây/875 nghìn cây kế hoạch; ươm cây giống đạt 5.501 nghìn cây/ 5.500 nghìn cây kế hoạch. Lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 23 vụ vi phạm pháp luật về Luật Lâm nghiệp đối với 2 tổ chức và 24 cá nhân vi phạm...

Nguyễn Trọng Lịch

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm