Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Hội nghị có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc, Trưởng ban đào tạo các đại học, học viện; Hiệu trưởng, Trưởng phòng đào tạo của 327 trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm trên toàn quốc.
Đảm bảo chất lượng từ khâu tuyển sinh đầu vào
Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia vừa kết thúc. Đây là kỳ thi rất quan trọng, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị nên đến thời điểm này, kỳ thi được đánh giá thành công. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân tích kỹ phổ điểm các môn thi, phổ điểm của từng địa phương. Trong Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tới đây ngành giáo dục sẽ thảo luận về các môn học, địa phương có kết quả thấp để rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Kết quả kỳ thi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, làm cơ sở để các trường đại học xét tuyển, còn giúp điều chỉnh nội dung chương trình, phương pháp tổ chức dạy học…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Về công tác tuyển sinh, Bộ trưởng nhấn mạnh: Kế hoạch tuyển sinh đã có; Bộ cũng hướng dẫn đầy đủ các trường về việc triển khai; phần lớn trường đại học rất tích cực xây dựng đề án tuyển sinh, phương án xét tuyển… Các trường cần lưu ý việc đảm bảo chất lượng ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào; chú trọng quá trình tổ chức đào tạo, chất lượng đầu ra.
Đối với giáo dục đại học hiện nay, Bộ quan tâm chỉ đạo quyết liệt vấn đề chất lượng. Các cơ sở giáo dục đại học phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, thực hiện nghiêm kiểm định chất lượng, chú trọng kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định trường, để ngành đào tạo nào kém chất lượng, sau thời gian không cải thiện được sẽ đóng cửa. Các trường đại học phải bình đẳng trong cạnh tranh về chất lượng, tránh có tình trạng “góc khuất, điểm tối” để các trường có thể lợi dụng.
Liên quan đến việc thực hiện Luật Giáo dục Đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường lưu ý về thực hiện tự chủ đại học, trong đó có thành lập, kiện toàn Hội đồng trường; thay đổi tư duy từ quản lý sang quản trị đại học; tự chủ đi kèm trách nhiệm giải trình; lưu ý về sứ mạng của trường đại học…
Rà soát kỹ thông tin trong đề án tuyển sinh
Thông tin về kết quả thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019, trong đó, có thông tin về tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của cả nước, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Theo thống kê sơ bộ kết quả xét tốt nghiệp từ các tỉnh, thành, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của cả nước đạt 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018 (97,57%).
Việc phân tích sâu phổ điểm của các tỉnh cho thấy, kết quả thi đã phản ánh trung thực chất lượng giáo dục của các địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng, miền.
Đề cập đến công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin: Năm nay, cả nước có 341.840 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi Trung học phổ thông Quốc gia (con số này tương đương năm 2018) trong tổng số 489.637 chỉ tiêu. Như vậy, số chỉ tiêu tăng so với năm 2018 chủ yếu là do tăng chỉ tiêu xét tuyển theo các phương thức khác như: xét học bạ, xét qua đánh giá năng lực, xét kết hợp…
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ: Hiện tại đề án tuyển sinh của một số trường còn chưa chính xác về giảng viên, vì vậy, các trường cần thực hiện đúng yêu cầu trong công văn số 2460/BGDĐT-GDĐH, gửi danh sách giảng viên chi tiết đến số chứng minh nhân dân, chuyên ngành… để Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên chuẩn của giáo dục Đại học.
Bên cạnh đó, các trường nên xem xét trong việc xây dựng các tổ hợp tuyển sinh, không cần đặt ra quá nhiều tổ hợp, trừ các ngành đặc thù. Trên thực tế, các tổ hợp truyền thống đã bao quát hầu hết nhu cầu của ngành đào tạo (90% nguyện vọng đăng ký ở năm tổ hơp (A, A1, B, C, D); 133 tổ hợp còn lại chỉ chiếm gần 10% nguyện vọng đăng ký.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhắc nhở một số trường về việc thông tin trong đề án tuyển sinh như: thông tin về điểm nhận hồ sơ xét học bạ của một số ngành sức khỏe không rõ; thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông…. Các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về những việc này…
Đồng thời, các trường cần đăng tải đầy đủ thông tin về đề án tuyển sinh, trực giải đáp thắc mắc cho thí sinh, đặc biệt từ ngày 22-31/7, khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Các trường rà soát kỹ đề án tuyển sinh, trong đó, các thông tin về chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển, hệ số bài thi/môn thi, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, tiêu chí phụ, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có)... phải chính xác với cơ sở dữ liệu đã khai báo trong Hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý: Quy trình xét tuyển, lọc ảo sẽ được thực hiện từ ngày 6 - 8/8. Khi đã công bố danh sách trúng tuyển cùng thang điểm xét tuyển và tiêu chí phụ thì các trường không được điều chỉnh danh sách này. Các trường cần cập nhật danh sách thí sinh đã xác nhận nhập học của mọi phương thức xét tuyển theo đúng cấu trúc dữ liệu và thời gian quy định. Kết quả tuyển sinh sẽ chốt vào ngày 31/12.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học các trường năm 2018, 2019 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để người học, xã hội giám sát; thực hiện hậu kiểm đối với tất cả các trường.
Nếu cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính theo quy định hoặc không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong năm năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…; bị phạt hành chính, thậm chí hình sự tùy theo mức độ sai phạm.
Việt Hà