Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần, vấn đề lựa chọn trường, khoa, ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường và quan trọng là tăng khả năng có việc làm khi ra trường lại trở thành đề tài “nóng” trong mỗi gia đình, với mỗi học sinh sắp tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khó tính, cơ hội nghề nghiệp rộng mở nhưng các nhà tuyển dụng cũng yêu cầu ứng viên có kỹ năng cao hơn, áp lực cạnh tranh ngày càng căng thẳng. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh hiểu đúng, có sự lựa chọn phù hợp với khả năng của bản thân, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động là cần thiết.
Cần hướng nghiệp từ sớm
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: Trong 30 năm qua, nước ta vẫn loay hoay về việc định hướng, phân luồng học sinh phổ thông, giúp các em lựa chọn nghề nghiệp đúng. Bởi bên cạnh việc tính toán về chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu tuyển dụng, còn phải có thêm chính sách thu hút người học ở một số ngành nghề đặc thù.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, đối tượng các trường đại học, cao đẳng tập trung để hướng nghiệp hiện nay là học sinh lớp 12. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp chọn ngành, nghề theo nguyện vọng của bố mẹ, dẫn đến việc các em chọn nhầm ngành, nghề. Điều này khiến nhiều sinh viên học rồi mới thấy không phù hợp hoặc không theo kịp chương trình học, tình trạng nghỉ học rất cao.
Ở nước ngoài, việc hướng nghiệp cho học sinh được thực hiện từ rất sớm, khoảng 10 tuổi để các em có 7 - 8 năm trải nghiệm về công việc mình yêu thích, định hình về nghề nghiệp trong tương lai. Việt Nam cần thực hiện các hoạt động hướng nghiệp sớm hơn nữa để học sinh có thời gian trải nghiệm, lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Cũng nhấn mạnh vai trò của hướng nghiệp, thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Phúc Lợi, Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: Nghề nghiệp trong xã hội luôn có sự thay đổi, có nghề mất đi, có nghề mới xuất hiện, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số. Vì vậy, nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là vô cùng quan trọng. Những năm gần đây, các trường đại học thường xuyên có đội ngũ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh về nghề nghiệp và sự lựa chọn nghề nghiệp.
Tại Trường Trung học Phổ thông Phúc Lợi, công tác tư vấn hướng nghiệp của nhà trường làm rất thường xuyên, hướng tới nhiều đối tượng, không chỉ riêng học sinh lớp 12. Hiện nay, có rất nhiều ngành nghề để lựa chọn, làm thế nào để các em lựa chọn được công việc phù hợp với bản thân, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Nhiệm vụ này không chỉ có sự tham gia của các trường phổ thông, cần sự chung tay của các trường đại học. Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên có thống kê chi tiết về các ngành nghề ở Việt Nam, những ngành nghề này cần nhân lực lao động là bao nhiêu để các trường đại học có xu hướng đào tạo, học sinh sắp tốt nghiệp Trung học phổ thông có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để theo học.
Tuy nhiên, không phải chọn nghề nào là phải gắn bó với nghề đó cả đời. Theo thầy Nguyễn Quý Xuân, thế giới không ngừng biến đổi nên việc đổi nghề hay “nhảy” việc diễn ra thường xuyên. Học sinh ngày nay có năng lực tự học rất tốt. Ngoài ra, các trường cao đẳng, đại học cũng có nhiều khóa đào tạo để các em tham gia học tập. Từ đó, các em hoàn toàn có thể bỏ nghề cũ và theo nghề mới với thu nhập cao hơn, phù hợp với sở thích, năng lực, trình độ của bản thân hơn. Việc học nghề chỉ là giai đoạn ban đầu, trong quá trình phát triển của con người, sẽ liên tục nâng cao năng lực bản thân. Vì vậy, việc đổi nghề cũng là cách tạo động lực cho con người phát triển, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.
Lựa chọn cơ sở đào tạo theo kịp sự phát triển
Trước ngưỡng cửa mới, bên cạnh việc lựa chọn đúng ngành, nghề phù hợp, học sinh sắp tốt nghiệp Trung học Phổ thông cần cân nhắc lựa chọn một môi trường đào tạo năng động, gắn với thực tiễn phát triển. Hiện nay, ngày càng có nhiều mô hình đào tạo gắn kết trực tiếp với nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tạo ra được môi trường học tập - thực hành cho sinh viên. Thậm chí, không ít trường đại học, cao đẳng đã thực hiện cam kết đầu ra có việc làm cho sinh viên ngay khi bắt đầu tuyển sinh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh việc đẩy mạnh hợp tác liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Xu hướng này sẽ là một sự cộng hưởng về nguồn lực. Thứ nhất, sẽ huy động được nguồn lực xã hội cũng như phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để họ tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thứ hai, việc kết hợp này sẽ giúp chất lượng đào tạo, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực ở các trường đại học phát huy tốt hơn.
Ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ, theo kinh nghiệm của nhà trường, việc đào tạo phải gắn với doanh nghiệp, tức là ngay từ đầu vào, phải khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp để xem thị trường đang cần gì. Trên thực tế, việc đào tạo thường bị chậm hơn so với thị trường. Vì vậy, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic thường liên kết với các nhà xuất bản lớn trên thế giới để xem các nước như Anh, Mỹ, Úc, Canada... đang đào tạo ngành nghề đó với giáo trình nào, nhà trường liên hệ với họ để có bản quyền các bộ giáo trình đó và bản quyền chuyển ngữ sang tiếng Việt, giúp sinh viên có thể cập nhật các kiến thức mới của thế giới và khu vực. Trong quá trình đào tạo, trường cũng tuyển nhiều giảng viên đến từ doanh nghiệp. Họ đem đến hơi thở từ thị trường và mang lại những bài học thực tiễn cho sinh viên, mô phỏng từ thực tế của doanh nghiệp. Nhờ đó, khi ra trường, các em có nền tảng kỹ năng vừa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp vừa cập nhật nhu cầu thị trường thế giới.
Ông Vũ Chí Thành cho biết, Trường có bộ phận quan hệ doanh nghiệp, bảo đảm việc thực tập đúng ngành nghề cho sinh viên cũng như kết nối cho sinh viên đầu ra khi ra trường. Hiện, nhà trường có kết nối với hơn 500 doanh nghiệp tại Việt Nam và có nhiều doanh nghiệp lớn đặt hàng như hệ thống thương mại điện tử, ngành tự động hóa, các ngành về lĩnh vực lập trình… để họ có nguồn cung ổn định, thay vì đợi đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Cách làm như vậy giúp cho doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng cao, bền vững, đồng thời, giúp cho việc bình ổn thị trường lao động.
Cùng chung quan điểm về việc gắn đào tạo với thị trường, ông Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi bày tỏ, nhiệm vụ của các trường đại học là đào tạo nguồn lao động cho xã hội, thương hiệu của mỗi trường chính là đầu ra sau khi sinh viên tốt nghiệp. Đối với Trường Đại học Thủy lợi, nhà trường không chỉ khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, mà còn mời các giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn đến từ doanh nghiệp. Sinh viên ra trường phải gắn được công việc đối với doanh nghiệp đó. Ngoài ra, Trường Đại học Thủy lợi đã phối hợp, liên kết đào tạo với hơn 100 trường trên thế giới, đa phần là các nước tiên tiến theo giáo trình 2+2 (2 năm đào tạo trong nước và 2 năm đào tạo ở nước ngoài như Mỹ, Nhật, Hàn).
Không chỉ vậy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi nhấn mạnh đến vai trò của trường đại học trong việc dự báo sự phát triển của nền kinh tế, khoa học những năm tiếp theo. Theo ông Nguyễn Trung Việt, nếu các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng những nhu cầu tức thời của thị trường thì ngành đào tạo đó cũng chỉ là đào tạo tức thời. Việc dự báo tốt nhu cầu của thị trường trong đào tạo nghề vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Đồng tình với quan điểm này, Ông Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, nếu chúng ta chỉ tập trung vào các ngành “hot” thì chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu thức thời. Về dài hạn, các trường đại học vẫn phải nhìn vào ngành cơ bản. Như hiện nay, bên cạnh những ngành học mới, Trường Đại học Phenikaa tập trung vào các ngành cơ bản như cơ khí, cơ điện tử… mặc dù những ngành này rất khó thu hút sinh viên. Để khuyến khích sinh viên theo học, nhà trường đã thực hiện một số chính sách ưu đãi và cam kết đầu ra cho các em.
Như vậy, có thể thấy, cơ hội và tỷ lệ việc làm thực tế của sinh viên sau khi tốt nghiệp một phần phụ thuộc vào trách nhiệm, điều kiện đầu tư của các nhà trường. Bước vào mùa tuyển sinh năm 2021, học sinh lớp 12 nên cân nhắc lựa chọn các trường có uy tín, được đầu tư tốt, đảm bảo chất lượng, môi trường phát triển năng động, có sự liên kết, hợp tác sâu rộng nhằm trang bị những kỹ năng tốt nhất để sẵn sàng tâm thế gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.
Việt Hà