Trong những năm gần đây, việc thí sinh đổ dồn vào lựa chọn các ngành học "hot" và "thờ ơ" với một số ngành khoa học cơ bản đã tạo ra sự chênh lệch khá lớn giữa các ngành nghề đào tạo. Các ngành truyền thống "chật vật" để tuyển sinh, do đó, việc thiếu hụt nhân lực cho những ngành, lĩnh vực cơ bản phục vụ phát triển kinh tế xã hội là nguy cơ hiện hữu.
Nhiều ngành học "trắng" sinh viên
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Cụ thể: Nông lâm nghiệp và Thủy sản đạt 49,1%; Khoa học sự sống 57,92%; Khoa học tự nhiên 59,43% và Dịch vụ xã hội 61,36%. Trong khi đó, các ngành học thu hút thí sinh nhiều nhất là: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật.
Đặc biệt, nhóm ngành khoa học cơ bản vẫn nằm trong tốp ngành có điểm chuẩn thấp nhất. Nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, quy hoạch, xây dựng, môi trường... có điểm chuẩn chỉ khoảng 15 điểm/3 môn (tính cả điểm ưu tiên) nhưng vẫn không có người học.
Năm 2022, ngành Kỹ thuật địa vật lý, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (điểm chuẩn 18) có 20 chỉ tiêu. Nhưng khi kết thúc thời gian xác nhận nhập học đợt một, chỉ có 1 thí sinh xác nhận trong số 5 sinh viên trúng tuyển.
Thống kê của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, trong số 9 ngành đào tạo khoa học cơ bản, đều là các ngành đào tạo truyền thống, đã có từ lâu của nhà trường, có một số ngành tuyển sinh số lượng tương đối ổn định, đảm bảo quy mô cho hoạt động tổ chức đào tạo hằng năm, bao gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, các ngành còn lại hoặc số lượng tuyển được ít hoặc không ổn định.
Một số ngành đặc biệt khó tuyển (không có sinh viên hoặc rất ít) trong một năm tuyển sinh như Hải dương học năm 2018 (0 sinh viên), năm 2019 (2 sinh viên). Tương tự với ngành Tài nguyên và môi trường nước vào các năm từ 2017 đến 2019, ngành Địa chất vào năm 2019. Các ngành này tuyển dưới 20 sinh viên/năm trong nhiều năm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho biết: Hiện nay, trường có 9 ngành khoa học cơ bản nhưng đặc điểm chung của các ngành này là tuyển sinh khó, dù chỉ tiêu trung bình chỉ ở mức 50 sinh viên/ngành.
Phân tích về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng: Việc tỷ lệ nhập học chênh lệch giữa các ngành, lĩnh vực đào tạo xuất phát phần lớn từ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Ngành nào có nhu cầu nhân lực lớn, thí sinh lựa chọn nhiều. Tuy nhiên, có những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước nhưng ít được người học quan tâm. Nguyên nhân có thể do việc học tập các lĩnh vực này rất khó, cần nhiều trang thiết bị hơn hoặc công tác truyền thông chưa làm tốt nên thí sinh chưa hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn theo học.
Đồng tình với nhận định trên, nhiều chuyên gia tuyển sinh chia sẻ: Các ngành có tính ứng dụng cao luôn thu hút nhiều thí sinh giỏi và chính điều này làm giảm sút nguồn thí sinh chất lượng cao vào các ngành khoa học cơ bản. Cùng đó, vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản chủ yếu trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ sở nghiên cứu của khu vực công nên thu nhập không cao, lộ trình nghề nghiệp tương đối dài, cần nhiều thời gian để thăng tiến và tăng thu nhập.
Tìm giải pháp "hút" thí sinh
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Hiện nay, Chính phủ đã có một số chương trình hỗ trợ phát triển Khoa học cơ bản trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Toán học, nhưng hỗ trợ trực tiếp cho đào tạo chưa nhiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được Chính phủ giao xây dựng một đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Trong đề án này, Bộ sẽ đề xuất các giải pháp về chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường với doanh nghiệp về đào tạo nghiên cứu, hợp tác quốc tế để tăng sự thu hút của các ngành nghề này với học sinh; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, như: phòng thí nghiệm, thực hành; đặc biệt là hỗ trợ đào tạo sau đại học. Bản thân các trường đại học phải rất nỗ lực, với nhiều giải pháp khác nhau để thu hút thí sinh vào học các ngành Khoa học cơ bản.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các trường đại học cần quan tâm ngành nghề gì thực sự đang có nhu cầu lớn, khảo sát để nắm bắt số liệu, xây dựng chính sách đào tạo, tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường đại học, trường phổ thông và xã hội cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp cho học sinh để các em hiểu rõ về các ngành đang rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Cơ quan nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ cho các ngành quan trọng, như: Toán học, Khoa học cơ bản, Kỹ thuật công nghệ để giảm bớt khó khăn cho sinh viên nhập học vào trường. Từ đó, tạo ra sự cân đối trong việc phát triển ngành nghề, đặc biệt là những ngành thiết yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, đa số thí sinh lựa chọn ngành nghề theo tiêu chí ngành nào dễ xin việc, lương cao thì sẽ chọn học. Vì vậy, để thu hút sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản, Nhà nước cần có cơ chế đặt hàng, có học bổng, bố trí việc làm, chế độ lương, điều kiện làm việc tốt khi ra trường. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có dự báo xu thế phát triển của quốc gia liên quan đến khu vực và thế giới, từ đó quyết định tập trung vào việc phát triển những ngành khoa học cơ bản nào để có chính sách đầu tư mạnh mẽ.
Nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực các ngành khoa học cơ bản, thời gian qua, một số cơ sở đào tạo lớn đã tìm cách thu hút người học với các chính sách học bổng, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên theo học các ngành này.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2022 đã dành 2 tỉ đồng học bổng để cấp cho sinh viên trúng tuyển vào 7 ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học trái đất và khoa học biển gồm: Vật lý, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Kỹ thuật địa chất, Địa chất học, Khoa học môi trường và Công nghệ kỹ thuật môi trường.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) hỗ trợ 35% học phí cho sinh viên thuộc 9 ngành là: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học, Ngôn ngữ Ý, Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Ngôn ngữ Nga.
Từ năm học 2022 - 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với gói học bổng gồm: miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.
Trong đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có 9 ngành được hỗ trợ, gồm: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gồm 9 ngành: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học và Văn học.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tạo cơ chế mở giúp các học sinh có thành tích xuất sắc được theo học ngành yêu thích, với các chính sách học bổng hấp dẫn, khích lệ học tập, tạo động lực để trở thành sinh viên giỏi, đồng thời tạo nguồn nhân lực cho các bậc học cao hơn, cũng như nguồn nhân lực khoa học trong tương lai.
Có thể thấy, những chính sách về học bổng, hỗ trợ học phí mới chỉ là điều kiện "cần", còn điều kiện "đủ" để người học tìm đến những ngành khoa học cơ bản là tổng thể các chính sách liên quan đến việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đi kèm với chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Nếu nhà nước không tạo được việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản, trong những năm tới đây vẫn rất khó để thu hút sinh viên vào học.
Việt Hà