Tuyển sinh Đại học 2022: Mở nhiều “cánh cửa” cho thí sinh lựa chọn

Học sinh THPT tìm hiểu chương trình tuyển sinh của các trường cao đẳng, đại học. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Học sinh THPT tìm hiểu chương trình tuyển sinh của các trường cao đẳng, đại học. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Đến thời điểm này, đa số cơ sở giáo dục đại học đã thông báo các phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2022. Theo thống kê, năm nay có khoảng 15 phương thức tuyển sinh và hầu hết các trường sử dụng từ 2 phương thức xét tuyển trở lên. Tuy nhiên, 3 phương thức xét tuyển chủ đạo được đa số các cơ sở giáo dục đại học sử dụng gồm: Xét tuyển bằng kết quả học tập bậc Trung học Phổ thông (học bạ); xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 và xét tuyển bằng kỳ thi riêng hoặc xét tuyển kết hợp.

Tuyển sinh Đại học 2022: Mở nhiều “cánh cửa” cho thí sinh lựa chọn ảnh 1 Học sinh THPT tìm hiểu chương trình tuyển sinh của các trường cao đẳng, đại học. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Xét tuyển học bạ - cơ hội vào đại học sớm

Nhằm giảm áp lực thi cử cũng như tác động nặng nề của dịch COVID-19, năm 2022, nhiều trường đại học áp dụng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ Trung học Phổ thông. Một số trường đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ từ tháng 3/2022 và thường kéo dài đến tháng 5-6. Phương thức này là lợi thế đối với những học sinh đang sở hữu “bảng điểm đẹp”, có thể cầm chắc “tấm vé” sớm vào đại học.

Năm 2022, trong số 4 phương thức xét tuyển, Trường Đại học Luật Hà Nội dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ. Để nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh phải đạt học lực giỏi 5 học kỳ (trừ học kỳ II lớp 12), trong đó, kết quả các môn trong tổ hợp xét tuyển ở kỳ I lớp 12 tối thiểu 7,5 (đối với cơ sở chính Hà Nội) và 7 điểm (đối với phân hiệu tại Đắk Lắk). Các tiêu chí về giải thưởng học sinh giỏi, là học sinh trường Trung học Phổ thông chuyên không còn là điều kiện chính thức để nộp hồ sơ như năm 2021. Nếu đạt các thành tích này, thí sinh được cộng 0,5-1,5 điểm khuyến khích. Ngoài ra, khi có chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh cũng được quy đổi điểm để thay cho điểm môn ngoại ngữ trong học bạ.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ đợt 1 từ ngày 1/3 đến ngày 29/4, thông báo kết quả vào ngày 4/5. Thí sinh cần có tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 của ba môn theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 20 trở lên (đã cộng điểm ưu tiên). Thí sinh được đăng ký theo nhóm ngành với tối đa 2 nguyện vọng và được xét theo thứ tự ưu tiên. Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ không được xét nguyện vọng 2. Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 2 sẽ tiếp tục được xét vào các nhóm ngành khác khi còn chỉ tiêu. Sau đợt 1, trường còn đợt xét tuyển học bạ khác, từ ngày 5/5- 15/6. Đợt này, thí sinh có thể sử dụng kết quả học tập lớp 12.

Trường Đại học Điện lực cũng đang thu hồ sơ xét tuyển bằng học bạ. Thí sinh có thể nộp ngay từ bây giờ cho đến ngày 20/6. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình 3 năm học Trung học Phổ thông của 3 môn trong tổ hợp cộng điểm ưu tiên. Thí sinh có tổng điểm xét tuyển từ 18 trở lên đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Học viện Chính sách và Phát triển xét tuyển học bạ với các thí sinh học tại các trường Trung học Phổ thông chuyên, có điểm trung bình chung học tập lớp 12 đạt từ 7,5 trở lên. Ngoài ra, xét tuyển thí sinh có điểm trung bình của 3 môn lớp 12 thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 7,5 trở lên, riêng ngành Quản lí Nhà nước đạt từ 7 điểm trở lên.

Trường Đại học Ngoại thương thông báo sẽ xét tuyển học bạ dành cho 3 nhóm đối tượng: Thí sinh tham gia thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; thí sinh đạt giải (Nhất, Nhì, Ba) học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường Trung học Phổ thông trọng điểm quốc gia/Trung học Phổ thông chuyên.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tăng


Theo ghi nhận, năm 2022 có khoảng 7 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do một số cơ sở giáo dục đại học lớn tổ chức riêng để xét tuyển đại học. Các kỳ thi này cũng đang được nhiều trường đại học trên cả nước lựa chọn sử dụng để tuyển sinh. Vì vậy, so với các năm trước, ngoài kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, năm nay, các thí sinh có xu hướng lựa chọn thi thêm kỳ thi đánh gia năng lực. Số lượng thí sinh đăng ký ngày càng tăng cao vào thời điểm chuẩn bị kết thúc năm học 2021-2022, khi các em đã hoàn thành gần hết các nội dung học tập của lớp 12.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức 2 đợt. Đợt 1 vào ngày 27/3, tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Đợt 2 dự kiến tổ chức vào ngày 22/5, tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và An Giang. Cùng 2 đợt thi đánh giá năng lực là 2 đợt đăng ký xét tuyển khác nhau. Nếu thí sinh thi cả 2 đợt, kết quả của đợt thi nào cao hơn sẽ được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng để xét tuyển.

Năm nay, có khoảng 80 trường đại học và cao đẳng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Với Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 dự kiến tổ chức thành nhiều đợt, diễn ra từ tháng 2 đến tháng 8, tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện đã có 4 đại học và 31 trường đại học thông báo sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên, Bộ Công an tổ chức bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào 8 trường, học viện trong khối ngành công an bên cạnh các phương thức xét tuyển khác.

Dự kiến yêu cầu bài thi đánh giá năng lực xét tuyển vào khối trường công an, ngoài việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng trong chương trình phổ thông, sẽ có các nội dung mới kiểm tra về tư duy logic, kỹ năng phán đoán, xử lý tình huống… gắn với yêu cầu đào tạo đặc thù.

Thí sinh thi đánh giá năng lực khối trường công an thi trong 1 buổi, ngay sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, với hai phần trắc nghiệm và tự luận. Phần trắc nghiệm gắn với kiến thức Trung học Phổ thông theo tổ hợp xét tuyển mà thí sinh đăng ký và một phần trắc nghiệm sẽ kiểm tra về những năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành công an. Phần tự luận là phần kiểm tra kiến thức môn Ngữ Văn, Toán. Thí sinh có thể chọn một trong hai lĩnh vực này.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá chuyên biệt, dự kiến được tổ chức 2 đợt ở nhiều địa phương. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi trong số 6 bài thi do nhà trường tổ chức (Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, tiếng Anh) để đăng ký xét tuyển vào các ngành học khác nhau theo đề án tuyển sinh của trường.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tổ chức thi đánh giá năng lực, dành cho các thí sinh có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc Trung học Phổ thông từ loại khá trở lên và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (học kỳ 1,2 lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6,5. Trường sẽ tổ chức thi các môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý .

Năm nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, dự kiến sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2022. Kỳ thi được tổ chức tại 4 địa điểm gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ. Hiện đã có 17 trường đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Trường Đại học Việt Đức cũng sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực TestAS. Để tham dự thí sinh phải thỏa mãn một trong những yêu cầu về năng lực tiếng Anh đầu vào như: Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tương đương IELTS học thuật 5.0/TOEFL 42 (iBT) còn hiệu lực; hoặc đạt ít nhất 71 điểm trong bài thi tiếng Anh onSET. Miễn yêu cầu tiếng Anh đầu vào đối với thí sinh quốc tế đến từ các quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức hoặc thí sinh tốt nghiệp các chương trình Trung học Phổ thông quốc tế giảng dạy và thi bằng tiếng Anh.

Xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông – cánh cửa hẹp dần


Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Khi các trường có nhiều phương thức xét tuyển thì chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông bị cắt giảm. Vì vậy, điểm chuẩn của phương thức này sẽ khá cao, tình trạng nhiều thí sinh điểm cao nhưng có thể vẫn trượt đại học sẽ tiếp tục tái diễn. Do vậy, thí sinh cần có chiến lược đăng ký nguyện vọng phù hợp khi xét tuyển bằng phương thức này.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định: Con đường vào các ngành “hot”, trường “top” dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ ngày càng "chật hẹp" do chỉ tiêu đối với phương thức này giảm sâu. Song, việc đưa ra nhiều phương án tuyển sinh khác sẽ giúp cho các trường đa dạng hóa nguồn tuyển. Do vậy, các thí sinh cần suy nghĩ lạc quan về khả năng trúng tuyển đại học, bởi số lượng chỉ tiêu dự kiến của các trường đủ để đáp ứng với đại đa số học sinh Trung học Phổ thông năm cuối có nguyện vọng học đại học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền cũng nhắn nhủ: Các thí sinh cần cân nhắc lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cho phù hợp. Nếu có thành tích nổi trội, đạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (học sinh giỏi trường chuyên/năng khiếu, có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level) thì các em rất có ưu thế khi đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/học lực. Bên cạnh đó, việc tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực cũng sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển đại học.

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm