Tuyên Quang: Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao danh hiệu
Nghệ nhân Ưu tú cho các cá nhân.Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho các cá nhân.Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Sáng 27/6, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3, Giải thưởng Tân Trào lần thứ 4 và gặp mặt tuyên dương Gia đình văn hóa ba thế hệ tiêu biểu năm 2023.

Tuyên Quang: Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ảnh 1Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho các cá nhân.Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Tỉnh Tuyên Quang có 3 cá nhân được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Ưu tú do có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian gồm: Nghệ nhân Ưu tú Vương Ngọc Quang (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa), Đỗ Thị Man (xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương) và Phàn Văn Phú (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên).

Tại buổi lễ, Giải thưởng Tân Trào lần thứ 4 được trao cho 7 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình nghiên cứu đoạt giải về lĩnh vực Văn học nghệ thuật và Khoa học - Kỹ thuật công nghệ. Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 157 hộ Gia đình văn hóa nhiều thế hệ tiêu biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn chúc mừng các Nghệ nhân Ưu tú, các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải thưởng Tân Trào và các gia đình văn hóa tiêu biểu.

Ông Nguyễn Văn Sơn đề nghị, thời gian tới, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về xây dựng gia đình văn hóa; quan tâm đầu tư và hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở, tạo điều kiện cho mọi gia đình được tiếp cận các kiến thức pháp luật, văn hóa - xã hội, thụ hưởng các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành và toàn xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác gia đình. Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác gia đình trên địa bàn, tiếp tục thực hiện xây dựng, duy trì hoạt động và nhân rộng các mô hình thực hiện có hiệu quả về gia đình, về phòng, chống bạo lực gia đình; triển khai các hoạt động thiết thực, phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là người cao tuổi, trẻ em; thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, chính sách đối với người có công trên địa bàn.

Thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được các cấp, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tỉnh Tuyên Quang tích cực hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh có 195.374/209.940 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (bằng 93,1%; tăng 5,4% so với năm 2017); thôn, khu dân cư văn hóa đạt 96,7% (tăng 20,1%). Nhiều phong trào của các đoàn thể, tổ chức xã hội ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và mang lại những hiệu quả thiết thực như “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình dòng họ hiếu học”… Đặc biệt, nhiều gia đình hăng hái tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, tích cực đóng góp ngày công, tiền, cơ sở vật chất để các địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới.

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm