Cán bộ thú y xã kiểm tra một con lợn chết nghi bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang cho biết, Chi cục được giao nhiệm vụ thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh; thông tin tới người chăn nuôi nắm tình hình dịch bệnh, nhận biết dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đội ngũ cán bộ thú y trực 24h/24h tại các trạm kiểm dịch động vật thực hiện kiểm dịch gia súc vận chuyển vào tỉnh. Trường hợp phương tiện, giống vật nuôi, sản phẩm gia súc không đủ điều kiện theo quy định vào địa bàn kiên quyết không cấp giấy chứng nhận. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đảm bảo phát hiện nhanh, chuẩn đoán chính xác, xử lý kịp thời không để lây lan dịch bệnh. Những địa phương đã xuất hiện triệu chứng nghi mắc bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn phải tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm để xác định Type vi rút gây bệnh. Đồng thời, toàn bộ lợn bị chết do mắc bệnh tiêu hủy theo quy định; thực hiện khoanh vùng và triển khai phun hóa chất khử trùng tiêu độc tại các chuồng trại. Các hộ có lợn ốm và hộ xung quanh tiến hành vệ sinh môi trường; tổ chức tiêm phòng toàn bộ đàn lợn tại các vùng xung quanh và địa bàn nơi có lợn nghi mắc bệnh lở mồm long móng. Việc quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào điạ bàn được chú trọng và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định… Thời điểm này trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xuất hiện lợn có triệu chứng nghi mắc bệnh lở mồm long móng. Để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan gây thiệt hại cho người chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo hộ chăn nuôi, chủ trang trại thực hiện tốt công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi, đảm bảo dinh dưỡng, chuồng trại sạch và ấm áp khi rét đậm, rét hại kéo dài... Các địa phương thực hiện nghiêm túc “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh; không thả rông gia súc; không vứt xác gia súc mắc bệnh bừa bãi; không ăn thịt gia súc đã mắc bệnh.
Quang Cường