Vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận trong nước và quốc tế.
Để làm sáng rõ thêm những quan điểm, luận điểm được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư gắn với thực tiễn, đặc thù của tỉnh Đắk Lắk, phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk xung quanh vấn đề này.
* Sau khi đọc, nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vấn đề nào đồng chí thấy sâu sắc, tâm đắc, luận giải thuyết phục?
- Bài viết của Tổng Bí thư đã đề cập đến vấn đề mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam. Những chủ đề lớn, hệ trọng của Đảng, của dân tộc ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; khẳng định công lao to lớn của Bác Hồ vĩ đại; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phản ánh cả tầm tư tưởng, lý luận và thực tiễn; có tính khái quát sâu sắc, nêu bật được sự đúng đắn của Đảng ta khi chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, toàn tâm, toàn ý vì lợi ích của nhân dân.
Tổng Bí thư đã khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phê phán các quan điểm sai trái, bôi nhọ, xuyên tạc chế độ của các thế lực thù địch nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, reo rắc hoài nghi và lung lạc niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc.
Thông qua bài viết, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tường tận hơn về những thành tựu phát triển của đất nước sau 35 năm đổi mới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, hiệu triệu tất cả cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tiếp tục tin tưởng, đồng hành và đóng góp mạnh mẽ hơn vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Với nền tảng ấy, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Trong bài viết, Tổng Bí thư khẳng định: Công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước trong 35 năm qua. Đồng chí có thể điểm lại những thành tựu nổi bật của Đắk Lắk trong dòng chảy chung của đất nước, dân tộc?
- Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, sau 35 năm đổi mới, Đắk Lắk đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Hiện nay, Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, trong đó giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 8,75%/năm. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, vừa phù hợp xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt hơn 83.755 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.625 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng.
Tái cơ cấu nông nghiệp đang được triển khai theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đổi mới tổ chức sản xuất, tăng cường hợp tác, liên kết, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến, tạo đà phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường. Kết cấu hạ tầng, hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu, đảm bảo chủ động tưới cho 82% diện tích cây trồng. Xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, đã có 61/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 40,13%; có 01 đơn vị cấp huyện đã được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cơ cấu nội bộ công nghiệp - xây dựng chuyển dịch tích cực; đã hình thành và phát triển các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn; một số nhóm ngành chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao, tỷ trọng lớn và thị trường tiêu thụ tốt, như: Đường, thép, bia, máy bơm nước, bê tông, cà phê bột… Năng lượng tái tạo phát triển mạnh, góp phần tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh. Đã có 28,8 MW điện gió, 285 MW điện mặt trời hòa lưới. Riêng Dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp có công suất 600MW lớn nhất Đông Nam Á (hòa lưới điện quốc gia vào cuối năm 2020)...
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, quản lý hoạt động của bệnh viện; mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được đầu tư, củng cố và trang bị từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
Đáng chú ý, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được triển khai chủ động, đồng bộ, quyết liệt với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên, học sinh đoạt giải quốc gia, khu vực đã tăng rõ rệt. Toàn tỉnh có 504/1007 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt trên 50%. Hệ thống các trường đại học, phân hiệu học viện và đại học... từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, khu vực Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia...
Đắk Lắk là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc và miền núi, được đồng bào các dân tộc thiểu số hưởng ứng, nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, bộ mặt vùng dân tộc và miền núi có nhiều khởi sắc, các dân tộc đã có sự tiến bộ rõ rệt trên tất cả các mặt. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư xây dựng. Công tác giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện, đạt kết quả tốt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm xuống còn 4,99% năm 2020; trong đó tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 5%/năm.
Tỉnh xây dựng và thực hiện các chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, quản lý nguồn lao động là người dân tộc thiểu số được triển khai đạt kết quả tích cực. Tình hình an ninh, chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, góp phần củng cố, phát huy, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, Đảng bộ tỉnh đã dành nhiều thời gian và công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 20 đảng bộ trực thuộc, có 701 tổ chức cơ sở đảng, với hơn 80.000 nghìn đảng viên. 100% thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có chi bộ. Các tổ chức cơ sở đảng được sắp xếp lại theo từng loại hình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh bình quân hằng năm đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém giảm; chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên; vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở ngày càng được phát huy; nguyên tắc sinh hoạt Đảng được đảm bảo; công tác quản lý đảng viên được thực hiện theo đúng quy định. Trong nhiệm kỳ qua, đã kết nạp 17.738 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh lên 80.834 đồng chí; bình quân hàng năm kết nạp 3.547/3.500 đảng viên, vượt 1,36% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố và kiện toàn. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp có tiến bộ...
* Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu "Xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc". Đồng chí có thể phân tích thời cơ, thách thức và giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu này?
- Có thể nói, việc Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk "giàu đẹp, văn minh, bản sắc" cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và hướng tới từng bước thực hiện mục tiêu lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk có nhiều thời cơ, điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển. Tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản phục vụ xuất khẩu; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo sẽ tạo điều kiện cho tỉnh phát triển nhanh trong thời gian tới. Mặc khác, tỉnh còn có hệ sinh thái cảnh quan phong phú, với nhiều phong cảnh thiên nhiên, nhiều địa danh nổi tiếng trong cả nước, có nền văn hóa đa dạng do có nhiều dân tộc cùng sinh sống, do đó có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch theo hướng bền vững và hiệu quả, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cùng những chính sách mạnh mẽ trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo thuận lợi cho tỉnh huy động tốt hơn các nguồn lực phát triển, đặc biệt là các nguồn lực từ thành phần kinh tế tư nhân, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Thời cơ, thuận lợi là cơ bản, song khó khăn, thách thức còn nhiều, Đắk Lắk cần tập trung giải quyết để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có cả về yếu tố tự nhiên và yếu tố con người, rõ ràng Đắk Lắk còn rất nhiều dư địa để phát triển. Để xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, tỉnh cần tiếp tục bám sát, khai thác tốt, có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, chủ động huy động, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng phát triển ngành dịch vụ, công nghiệp, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã và đang quyết tâm thực hiện có hiệu quả sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phát chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Cụ thể, sáu nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; chú trọng phát triển du lịch và dịch vụ; tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm...; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ba khâu đột phá chiến lược là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ, quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
Trong đó, Đắk Lắk đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là Trung tâm Thể thao khu vực Tây Nguyên, Đường vành đai phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, Đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột, phát triển mạnh thương mại, logistics, du lịch, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ; xây dựng cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức; phát triển Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng Hàng không quốc tế, xây dựng Cửa khẩu Đắk Ruê…
*Thưa đồng chí, Đắk Lắk cần làm gì để quán triệt, vận dụng nội dung tinh thần bài viết của Tổng Bí thư vào thực tiễn xây dựng và phát triển của địa phương?
- Thời gian tới, các cấp ủy Đảng tỉnh Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt bài viết của Tổng Bí thư bằng nhiều hình thức, cùng với đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chương trình hành động, nhằm truyền cảm hứng cho mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân nêu cao ý thức trách nhiệm, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
* Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Anh Dũng