Lạng Sơn đã lên phương án thiết lập "vùng xanh" đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma với các biện pháp phân luồng phương tiện; kiểm soát người vào, ra "vùng xanh" an toàn; xử lý khi có F0 và các trường hợp vi phạm...
Thời gian triển khai từ 0 giờ 00 phút, ngày 1/6/2022 cho đến khi có thông báo mới của UBND tỉnh Lạng Sơn.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại, trong bối cảnh năng lực thông quan chưa đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai bên, khi nhiều loại hoa quả đang chuẩn bị vào vụ mùa thu hoạch như vải, thanh long, xoài,… để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, hoa quả không bị ùn ứ, lưu bãi trong thời gian dài. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên địa bàn đã thông tin tới các doanh nghiệp, ngành hàng sản xuất, vận tải, xuất khẩu hàng hóa về việc thiết lập "vùng xanh" đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực các cửa khẩu. Cùng với đó, triển khai hỗ trợ kết nối thị trường, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sang các quốc gia khác; tăng cường giám sát, quản lý, đảm bảo các vùng trồng, vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu an toàn với dịch COVID-19, đảm bảo chất lượng sản phẩm, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, vận chuyển hàng hóa được thực hiện theo đúng quy định và yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Sở Công Thương cũng tiếp tục nắm bắt, tình hình hoạt động tại các khu vực cửa khẩu biên giới đường bộ của tỉnh để lập kế hoạch điều tiết từ sớm, từ xa lượng xe hàng đưa lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn một cách phù hợp; giảm tình trạng tồn đọng, ùn ứ khối lượng lớn phương tiện các loại. Từ đó, giảm sức ép lên công các điều phối, sắp xếp bến bãi và năng lực thông quan tại các cửa khẩu. Đồng thời, giảm thiểu thời gian chờ đợi, chi phí bến bãi và thiệt hại do hàng hóa bị hư hỏng, mất phẩm chất cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xem xét, hướng dẫn các các doanh nghiệp, thương nhân lựa chọn, chuyển đổi phương thức vận tải xuất khẩu khác ngoài đường bộ như đường sắt, đường thủy hoặc mở rộng danh sách các cửa khẩu đường bộ xuất khẩu khác.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, vận tải, xuất khẩu hàng hóa có liên quan cần chủ động theo dõi, cập nhật thường xuyên về năng lực bến bãi, tốc độ thông quan, tình hình hoạt động tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; chú trọng đánh giá tình hình thực tế để chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá hợp lý, đặc biệt đối với hàng hóa là nông sản, hoa quả tươi, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro hay thiệt hại về kinh tế nhất là trong bối cảnh hàng hoá vào vụ mùa nhưng năng lực thông quan chưa được cải thiện nhanh và đáng kể.
Các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị cần tăng cường tìm hiểu, liên hệ, kết nối với các đối tác phía Trung Quốc để giao nhận và xuất khẩu hàng hóa bằng các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy, tránh trường hợp hàng hoá dồn nhiều về một vài cửa khẩu đường bộ nói chung và các cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn nói riêng, giúp giảm thiểu tối đa rủi ro trong kinh doanh khi phải chờ đợi dài ngày, hàng hoá bị hư hỏng phải quay đầu.
Theo Ban quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, với chính sách "Zero-COVID", phía Trung Quốc tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao và nghiêm ngặt như phong tỏa các khu vực có ca lây nhiễm COVID-19, vẫn tạm dừng hoạt động thông quan tại nhiều cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới Lạng Sơn – Quảng Tây khiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, các cửa khẩu khác hiện đang duy trì hoạt động cũng bị ảnh hưởng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản duy trì hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại 4 cửa khẩu là Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng, Cửa khẩu chính Chi Ma, Cửa khẩu phụ Tân Thanh; trong đó, cặp Cửa khẩu Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan và Tân Thanh – Pò Chài đang triển khai mô hình giao nhận hàng hóa không tiếp xúc theo phương thức cắt, nối container tại bãi chờ; đồng thời triển khai có hiệu quả nền tảng cửa khẩu số nên hiệu suất thông quan tăng hơn 30% so với thời điểm tháng 4/2022, song chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương của các doanh nghiệp hai bên.
Trong tháng 5/2022, năng lực thông quan tại 3 cửa khẩu đường bộ: Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma đạt khoảng 450 - 500 xe/ngày nhưng lượng xe xuất khẩu còn thấp, chỉ khoảng 180-200 xe/ngày. Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 phương tiện chở hàng hóa từ nội địa lên các cửa khẩu của tỉnh để chờ xuất khẩu.
Tính đến ngày 29/5, tổng lượng phương tiện chờ xuất khẩu tại 3 cửa khẩu trên là 1.682 xe; trong đó, có 1.084 xe chở hoa quả tươi, chiếm khoảng 65% tổng số xe hàng chờ xuất khẩu. Với năng lực thông quan như hiện tại phải cần hơn 10 ngày mới giải phóng hết lượng hàng đang tồn tại các bến bãi, trong khi lượng xe hàng mới từ các tỉnh lên các cửa khẩu ngày càng tăng.
Thái Thuần