Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê, thời gian qua, chính quyền địa phương và nhiều người tâm huyết trong tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực truyền dạy cách đánh cồng chiêng, hát múa dân ca cho thế hệ trẻ.
Khơi dậy niềm đam mê
Những ngày cuối tuần, tại ngôi nhà nhỏ của ông Hà Viết Sỹ (57 tuổi), xã Thanh An, huyện Minh Long, thường xuyên ngân vang tiếng chiêng. Lúc tiếng chiêng ngân vang cũng là lúc dân làng kéo đến nhà ông Sỹ để xem, nghe, học. Nhờ đó góp phần lan tỏa tình yêu nhạc cụ đến cộng đồng nơi đây. Với tài năng và đam mê nhạc cụ của mình, ông Sỹ đã truyền dạy và thành lập đội cồng chiêng cho xã. “Tôi rất vui và tự hào khi ngày càng có nhiều bạn trẻ đam mê văn hóa dân tộc. Nhiều cháu say mê, cảm âm tốt nên học nhanh. Mong rằng thế hệ trẻ đồng bào Hrê luôn yêu quý và gìn giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc này”, ông Sỹ bày tỏ.
Anh Đinh Văn Tình, xã Thanh An, chia sẻ: "Ngày còn nhỏ, trong các dịp lễ, Tết, tôi đã được nghe ông, bà mình đánh chiêng, hát Ca Chôi, Ta Lêu. Cũng từ đó, tình yêu với giai điệu cồng chiêng cứ âm ỉ rồi lớn dần theo năm tháng. Đến nay, sau nhiều năm tập luyện, tôi đã đánh thành thạo tất cả các điệu chiêng cơ bản. Tôi sẽ tiếp tục học để đánh hay hơn cũng như sau này có thể truyền dạy lại cho con cháu".
Tương tự, tại ngôi nhà ông Trần Đình Hà (46 tuổi), thôn Diên Sơn, xã Long Sơn, huyện Minh Long cũng thường có nhiều bạn trẻ đến học cách đánh cồng chiêng. Ông Hà là một trong số ít người ở huyện miền núi Minh Long có thể chơi thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Hrê như chiêng, đàn Ra ngói, đàn Vrook, Chinh Kala. Với ông Hà, việc giữ gìn tiếng chiêng cũng giống như giữ gìn hồn cốt của dân tộc mình. Do vậy, ông luôn dành thời gian để truyền dạy lại cho con cháu. “Đánh cồng chiêng, hát dân ca là những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay rất ít người biết đến những điều này. Do đó, mình phải tìm cách khơi dậy niềm đam mê cho các cháu bằng cách chỉ dạy, tập luyện thường xuyên”, ông Hà nói.
Nhờ sự chỉ dạy nhiệt tình của ông Hà, nên tại xã Long Sơn đã có nhiều bạn trẻ biết đánh cồng chiêng. Địa phương này đã thành lập được đội chiêng thường xuyên tham gia biểu diễn trong các đợt liên hoan văn hóa văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức. Anh Đinh Văn Hiểu, xã Long Sơn, cho biết: Những lúc rảnh tôi thường qua nhà chú Hà để học cách đánh chiêng. Chú rất nhiệt tình, tận tâm chỉ dạy, truyền đạt cách đánh cồng chiêng.
Phát huy giá trị văn hóa
Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Minh Long Đinh Văn Ý, cho rằng: Để bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa cồng chiêng nói riêng, những giá trị văn hóa khác nói chung của đồng bào Hrê thì rất cần những người “lành nghề” truyền dạy, đào tạo lớp trẻ. Đáng quý là tại huyện Minh Long đã có nhiều người sẵn sàng dạy miễn phí và cũng có nhiều bạn trẻ đam mê học tập. Để văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê không bị mai một, phòng Văn hóa – Thông tin huyện sẽ kiến nghị cấp trên bố trí kinh phí để hỗ trợ cho các nghệ nhân, học viên tham gia các lớp học, tập huấn.
Còn tại huyện Ba Tơ, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ba Tơ đã mở các lớp truyền dạy đánh chiêng và dân ca Ta Lêu, Ca Chôi truyền thống của dân tộc Hrê cho đoàn viên thanh niên, phụ nữ, nông dân dân tộc Hrê đang sinh sống trên địa bàn các xã: Ba Điền, Ba Thành, Ba Vinh, Ba Trang và Ba Khâm.
Dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Phạm Văn Sây, các học viên đã biết cách đánh một số bài chiêng cơ bản, hiểu thêm nguyên lý chế tác, âm thanh cồng chiêng. Anh Phạm Công Hậu, thôn Huy Ba, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, một trong những thành viên tham gia lớp học, cho biết: "Là một người con của đồng bào Hrê nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham gia tập luyện cách đánh cồng chiêng. Ban đầu mới tập đánh thấy rất đau tay, nhưng tôi vẫn cố gắng tập vì nghĩ mọi người làm được thì mình làm được. Sau 5 ngày tập luyện, tôi đã biết đánh 2 bài cơ bản và sẽ tiếp tục tập luyện để có thể đánh thành thạo các điệu chiêng".
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích, để bảo tồn, giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Hrê, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo phòng Văn hóa – Thông tin huyện phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều giải pháp như thường xuyên mở các lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng, hát dân ca cho đoàn viên thanh niên, phụ nữ các xã; phối hợp với các trường học trên địa bàn đưa cồng chiêng, làn điệu dân ca vào dạy cho học sinh; tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ quần chúng.
Với những nỗ lực chung tay của các cấp chính quyền và những người tâm huyết, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê đang được gìn giữ và phát huy, góp phần làm phong phú, đậm đà nền văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi.
Đinh Hương