Thầy Hiệp tận tình hướng dẫn học sinh tập viết chữ. |
Dưới những tán cây tra rộng lớn, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa hiện ra như một khu vườn cổ tích dành riêng cho các trẻ em sinh sống trên đảo. Trường mới, khang trang, được đưa vào sử dụng cách nay không lâu với 2 phòng học, 2 phòng công vụ, 1 phòng vui chơi và 1 thư viện. Trước sân trường được bài trí sân chơi cho trẻ em như: cầu thăng bằng, cầu trượt, nhà banh...
Sau nụ cười tươi, thân thiện với khách lạ, thấy chúng tôi có chút ngỡ ngàng về lớp học của mình, thầy giáo Phạm Trung Việt, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, vui vẻ nói: “Phòng học này dành cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5, còn phòng bên cạnh là trẻ từ 3 tuổi đến lớp 1. Do trẻ em ở hải đảo ít nên chúng tôi phải ghép các lớp học lại cùng một phòng để tiện bề giảng dạy”.
Lớp học của thầy Việt cũng chỉ vài học sinh nhưng mỗi em lại học 1 lớp, vì thế, trong buổi học thầy phải dùng đến 3 quyển giáo án lớp 2, 3, 4 để giảng. Khi được hỏi có khó khăn gì trong cách giảng dạy không, thầy Việt đáp: “Khó lúc đầu khi mới về trường, về mình phải tốn công soạn nhiều giáo án cùng lúc, nhưng lâu ngày cũng quen nên thấy bình thường. Mỗi ngày thấy các em chăm chỉ đến lớp, chịu khó nghe giảng bài thì mọi khó khăn, mệt nhọc cũng tan biến”.
Do mỗi phòng học có từ 2-3 lớp học nên mỗi buổi học, giáo viên ở trường phải khéo léo phân chia thời gian, sắp xếp từng môn sao cho hợp lý nhất. Nếu lớp 4 giải toán thì cho lớp 3 học tiếng Việt, lớp 2 học vẽ,... đảm bảo sao cho việc học của lớp này không ảnh hưởng nhiều đến lớp kia, từng em vẫn tập trung học tốt được.
Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm thì đã tình nguyện xin ra công tác ở đảo Trường Sa cho đến nay, thầy giáo trẻ Đồng Minh Hiệp vừa đảm trách nhiệm vụ giáo viên tiểu học, vừa là “cô giáo” mầm non của đảo. Thầy Hiệp chia sẻ: “Dạy mầm non thì không đúng chuyên môn của tôi, nhưng tôi luôn chủ động học hỏi thêm kiến thức từ sách vở, kinh nghiệm từ đồng nghiệp để tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp cho các bé. Chúng tôi luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em ở đảo vẫn được học tập tốt”.
So với điều kiện học tập ở đất liền thì các em học sinh ở đảo Trường Sa có phần vất vả hơn. Vào mùa mưa bão, việc đến lớp của các em rất khó khăn, có khi ngồi trong lớp học mà sóng biển tạt vào ướt áo quần, tập vở. Bên cạnh đó, do khoảng cách địa lý, điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy còn hạn chế, các em chưa tiếp cận được môn ngoại ngữ nên còn chịu thiệt hơn so với môi trường học tập ở đất liền. Thế nhưng, từ môi trường học tập khắc nghiệt ấy, học sinh ở hải đảo đã có tinh thần học tập rất nghiêm túc và ở các em có một tình yêu đất nước rất mãnh liệt ngay từ nhỏ.
Em Lê Đức Tín, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, cho biết: “Trong các môn học phụ con yêu thích nhất môn thể dục, vì học thể dục để mình rèn luyện sức khỏe phòng, chống bệnh tật; lớn lên có nhiều sức khỏe để bảo vệ Tổ quốc giống như các chú bộ đội ở đây”.
Theo lời thầy Hiệp, trẻ em ở đảo đa số là con cháu ngư dân, chưa được học tập ở bất kỳ trường lớp nào. Do đó, ngoài dạy các môn học theo chương trình, giáo viên còn hướng dẫn các em nhiều kiến thức thực tế khác. Hàng tuần, hàng tháng, đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa như hướng dẫn các em đi tham quan các khu tâm linh như chùa, nhà tưởng niệm,… ở đảo để các em hiểu rõ hơn nơi mình đang sinh sống. Định hướng cho các em hiểu được tầm quan trọng của biển đảo quê hương và chủ quyền biển đảo, hiểu biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc, từ đó giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Hiện nay, do điều kiện giảng dạy còn hạn chế, nên sau khi học xong cấp I, các em học sinh sẽ được tạo điều kiện vào đất liền để tiếp tục học. Lớp học ở Trường Sa chỉ có tiếng sóng vỗ thay tiếng trống trường, nhưng mỗi lớp học đều chứa chan tình thương, lòng nhiệt huyết của thầy với trò. Ở nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ Quốc, với tinh thần trách nhiệm cao, cả thầy và trò ở Trường Sa đều luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ của mình.
Báo Hậu Giang