Các đại biểu tìm hiểu hiện vật được các nhà sưu tầm cổ vật hiến tặng cho Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Chuyên đề Lễ hội Katê năm 2018 tập trung giới thiệu các hiện vật như: Mẫu tượng thờ Mukha Linga, Pô Klong Girai; bò thần Nandin, Patil, Banal; mâm bồng; lư trầm; ống nhổ; hộp đựng trầu; trang phục các chức sắc; bộ nhạc cụ sử dụng trong lễ hội… Nhiều hình ảnh và hiện vật trưng bày gắn liền với lễ hội Katê, đồng thời có sự liên kết với đời sống văn hóa của đồng bào Chăm. Qua đó, phần nào tái hiện lại nét văn hóa đặc trưng của đồng bào để mọi người biết đến, cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Ông Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết: Katê là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh Ninh Thuận. Việc trưng bày chuyên đề Lễ hội Katê nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu biết về con người cũng như nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận.
Nhân Lễ hội Katê năm 2018 của đồng bào Chăm, các nhà sưu tầm cổ vật ở nhiều tỉnh, thành trong nước đã hiến tặng 14 hiện vật quý của đồng bào mang nhiều chất liệu, có niên đại khác nhau cho Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận để bảo tồn, lưu giữ. Các hiện vật hiến tặng phần nào làm cho du khách thấy rõ về các loại hình, ngành nghề truyền thống của người Chăm như đúc đồng, làm gốm, dệt vải…
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận được các nhà sưu tầm cổ vật hiến tặng trên 900 hiện vật quý mang nhiều chất liệu, nội dung khác nhau để lưu giữ và trưng bày. Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận là địa điểm lý tưởng để du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của đồng bào, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Công Thử
TTXVN