Trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận – Quảng Nam

ắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận – Quảng Nam”. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
ắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận – Quảng Nam”. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975 – 16/4/2021) và hướng tới kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021), sáng 16/4, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận – Quảng Nam”.

Trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận – Quảng Nam ảnh 1 Cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận – Quảng Nam”. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Trưng bày chuyên đề kết hợp giới thiệu gần 80 hiện vật bao gồm ảnh, gốm, tượng đá liên quan đến nền văn hóa Chăm của Bảo tàng tỉnh Quảng Nam và trên 1.500 hiện vật là các công cụ lao động sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, sản phẩm và vật dụng nghề thủ công truyền thống, trang phục, trang sức, phương tiện vận chuyển, tranh, tượng, nhạc cụ, thư tịch cổ và các cổ vật cùng 1.400 bản sách, tư liệu chuyên khảo đang được trưng bày tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận.

Ông Lê Xuân Lợi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết, mục đích của trưng bày chuyên đề nhằm giới thiệu rộng rãi đến với công chúng về di sản văn hóa - nghệ thuật độc đáo của người Chăm trên vùng đất Ninh Thuận - Quảng Nam và sự giao lưu, tiếp biến giữa nền văn hóa Chăm với các nền văn hóa khác qua các giai đoạn lịch sử.

Tất cả các hiện vật, hình ảnh trưng bày được các cán bộ, viên chức Bảo tàng Quảng Nam và Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận bảo quản, gìn giữ một cách trân trọng. Đây là dịp để hai đơn vị, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà sưu tầm cổ vật cùng học tập giao lưu và trao đổi kinh nghiệm; đồng thời mở rộng không gian tuyên truyền quảng bá nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của đồng bào Chăm đến với đông đảo du khách gần xa. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân.

Tham quan buổi trưng bày chuyên đề, ông Võ Minh Luân - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cổ vật tỉnh An Giang, nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật UNESCO Việt Nam cho hay: Tôi đánh giá cao các hiện vật di sản văn hoá Chăm triển lãm tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận trong đợt này. Sự kết hợp giữa các sở, ban, ngành văn hoá giữa hai tỉnh Ninh Thuận và Quảng Nam là một hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền cho các thế hệ mai sau tiếp tục bảo tồn và giữ gìn những di sản của người xưa để lại. Ngoài ra, đây là hoạt động rất ý nghĩa để công chúng, du khách biết đến và tham quan tìm hiểu lịch sử, văn hóa độc đáo của người Chăm ở Ninh Thuận.

Hoạt động trưng bày, triển lãm Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận – Quảng Nam diễn ra từ nay đến hết ngày 15/5 tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, số 28 đường Tô Hiệu, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm