Chủ nhiệm dự án,Thạc sĩ Trần Viết Vinh kiểm tra khu nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Ảnh: Quân Trang – TTXVN |
Dự án do Thạc sỹ Trần Viết Vinh (Khoa Thủy sản, Đại học Nông lâm Thái Nguyên) làm chủ nhiệm đề tài và kiêm luôn vai trò là chủ đầu tư thực hiện dự án với tên pháp nhân là Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân. Với điều kiện sinh thái phù hợp, mô hình sẽ được chuyển giao cho nhân dân thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thúc đẩy phát triển ngành du lịch tại địa phương.
Chất lượng ngọc trai tại Hồ Núi Cốc đã được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao hơn so với các tỉnh khác ở miền Bắc. Viên ngọc dầy, tròn, bóng, kích cỡ lớn và không tì vết. Thạc sĩ Trần Viết Vinh cho biết, nhân cấy có kích cỡ từ 0,6- 1cm và được nhập từ Nhật Bản. Trai nguyên liệu thì thu gom từ các sông suối trên địa bàn hoặc đặt mua của người dân bán ở các chợ. Mỗi con trai nguyên liệu có thể cấy được từ 2 - 4 nhân. Sau khi cấy, trai được cho vào bể nuôi.
Sau khoảng 20- 25 ngày trai nuôi nhốt trong bể, mỗi con trai lại được cho vào một chiếc túi, treo vào lồng bè trên mặt Hồ Núi Cốc. Trai sống lơ lửng, tích lũy phù du, màu mỡ của nước hồ, phủ màng xà cừ lên nhân ngọc. Với phương pháp này, người nuôi có thể di chuyển trai đi nhiều chỗ hoặc kiểm tra để vệ sinh mảng bám, vi sinh vật gây hại.
Với diện tích nuôi cấy trai rộng 1 ha trên mặt Hồ Núi Cốc, từ tháng 4/2017, ông Vinh và các kỹ thuật viên thực hiện việc cấy nhân với số lượng 200 ngàn viên nhân cấy cho 50 ngàn con trai nguyên liệu. Đến nay, kiểm tra nhân trai đã được phủ kín, dự kiến đến tháng 10/2018, sẽ thu hoạch được trên 190.000 viên ngọc trai. Điều này cho thấy khả năng sinh trưởng, tốc độ phủ ngọc của trai nguyên liệu nuôi trên lòng Hồ Núi Cốc là rất nhanh so với các vùng nuôi khác.
Khu lồng bè nuôi trai lấy ngọc trên lòng hồ Núi Cốc. Ảnh: Quân Trang – TTXVN |
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại lòng Hồ Núi Cốc có hiệu quả kinh tế khá cao. Chi phí một con trai để nuôi và cấy ghép chỉ hết 35.000 - 40.000 đồng. Song, giá bán hiện tại trên thị trường một viên ngọc trai loại trung bình từ 400.000 - 800.000 đồng, ngọc trai loại đẹp từ 2 - 4 triệu đồng và có thể cao hơn nữa. Sau khi thu lấy ngọc, vỏ trai được tận dụng làm các đồ thủ công mỹ nghệ, thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Nuôi trai lấy ngọc cũng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và có thể nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác.
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết, kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc được coi như công nghệ mạ sinh học, là một trong những dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Thái Nguyên. Dự án này được đầu tư số vốn hơn 7,9 tỷ đồng, trong đó từ Quỹ phát triển Khoa học công nghệ 4 tỷ đồng, còn lại do doanh nghiệp đối ứng. Tỉnh Thái Nguyên đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trực tiếp hỗ trợ, tập huấn, cùng với doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân để nhân rộng mô hình. Từ đây, có thể tạo ra các làng nghề, nghề bền vững cho người dân ở vùng dự án, để mọi người có thể tham gia vào chuỗi sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm có thể bán luôn cho khách du lịch đến với Núi Cốc. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về công nghệ, quảng bá sản phẩm trên thị trường.
Ngoài giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thành công của dự án nuôi trai nước ngọt lấy ngọc góp phần phát triển du lịch Hồ Núi Cốc với định hướng trở thành trung tâm du lịch quốc gia.
Quân Trang