Triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam" tại Hoàng thành Thăng Long

Triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam" tại Hoàng thành Thăng Long
Khách tham quan Triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Khách tham quan Triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Ban tổ chức triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam” đã lựa chọn giới thiệu các bức tranh với các chủ đề đa dạng, từ những công việc nhỏ xung quanh cuộc sống hàng ngày, lời cầu chúc, bùa phù hộ, việc thực hành tôn giáo tín ngưỡng, tranh minh họa những tấm gương hiếu thảo, tranh minh họa lịch sử, văn học, bốn mùa… Đặc biệt, triển lãm còn giới thiệu kết quả nghiên cứu về lĩnh vực nghệ thuật dân gian thông qua việc kết hợp sự miêu tả tỉ mỉ về quá trình làm tranh, các loại hình tranh, phân tích các chủ đề và đặt chúng trong bối cảnh văn hóa và lịch sử.

Triển lãm giới thiệu hơn 50 bức tranh được chọn lọc từ cuốn sách “Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu” của Maurice DURAND do Nhà xuất bản EFEO phát hành. Đây là công trình giới thiệu một phần lớn của bộ sưu tập hơn 400 bức tranh dân gian được Maurice DURAND sưu tầm từ năm 1940 ở Hà Nội với sự hỗ trợ của các học giả như Trần Văn Giáp, Trần Huy Bá, Louis Bezacier và Paul Lesvy. Đây có thể nói là bộ sưu tập quan trọng nhất còn được lưu giữ tính đến thời điểm này.
 
Khách tham quan Triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Khách tham quan Triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, tranh dân gian là di sản văn hóa quý của dân tộc cần được trân trọng, bảo tồn. Đây là các bức tranh gốc được lưu giữ ở Viện Viễn đông Bác cổ đã được các chuyên gia sao chụp với chất lượng cao.

Sinh năm 1914 ở Hà Nội, Maurice Durand là con trai của một nhà Hán học người Pháp và mẹ ông là người Việt. Ông vừa là nhà sử học, ngữ văn học, nhà phê bình văn học và nhà phân tích mỹ thuật. Maurice Durand là một trong những nhà nghiên cứu song ngữ hiếm hoi của Viện Viễn Đông Bác cổ sở hữu hai nguồn văn hóa Pháp, Việt và có mối liên hệ mật thiết với chữ Hán.
Triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam" mở cửa từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9.

Chiều cùng ngày, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm “ Hai vị tổng đốc: Nguyễn Tri Phương – Hoàng Diệu” tại di tích Thành Cửa Bắc, nơi in đậm dấu ấn của hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu đã chiến đấu quên mình để bảo vệ thành Hà Nội.

Triển lãm giới thiệu hơn 60 hình ảnh, tư liệu, bản vẽ… giới thiệu về hai vị tổng đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu đã từng gắn bó, xây dựng và chiến đấu anh dũng để bảo vệ thành Hà Nội.

Thông qua các tài liệu, hình ảnh, triển lãm làm nổi bật vai trò của danh tướng Nguyễn Tri Phương, vị quan đầu triều, đại diện cho phái chủ chiến chống thực dân Pháp của chính quyền nhà Nguyễn. Đặc biệt nhấn mạnh tinh thần yêu nước, nghĩa khí, chính trực, anh dũng hy sinh của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương khi được vua Tự Đức giao phó trọng trách giữ thành Hà Nội trong bối cảnh thực dân Pháp đang đẩy mạnh mưu đồ thôn tính các tỉnh thành phía Bắc và Hà Nội.

Triển lãm cũng làm nổi bật cuộc đời của Tổng đốc Hoàng Diệu - một vị Tổng đốc thanh liêm, chính trực, sống gần dân, thân dân, vì dân; người ghi đậm dấu ấn trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ, chỉ huy quân, dân chiến đấu anh dũng bảo vệ thành Hà Nội khi thực dân Pháp đem quân tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ hai và cuối cùng đã tuẫn tiết để nêu cao khí tiết anh hùng.
Đinh Thuận
TTXVN

Có thể bạn quan tâm