Trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại

Trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại

Giúp cho các quy trình sản xuất được tự động hóa và tối ưu hóa, từ việc dự báo thời tiết, đến giám sát sức khỏe của cây trồng và động vật, quản lý đàn gia súc và cải thiện chất lượng sản phẩm, trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại  ảnh 1Thu hoạch rau trên cánh đồng sản xuất liên kết với nông dân ở xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Đó là nhận định của các diễn giả tại Hội thảo “Ứng dụng AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp” của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức sáng 23/3.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, những loại thiết bị máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển; trong đó có cả sản xuất nông nghiệp.

Trí tuệ nhân tạo giúp năng suất cây trồng được tăng lên, cây trồng được khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; tổ chức dữ liệu cho nông dân, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.

Hiện nay, trên các cánh đồng, nông trại, nhiều nông dân trên thế giới đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để giảm đáng kể việc sử dụng các hóa chất ảnh hưởng đến môi trường. Những tiến bộ trong chế tạo robot điều khiển bằng AI cũng đang giúp nhà nông trong việc tăng gia sản xuất sử dụng ít đất và ít nhân công hơn.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống.

Ông Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam nhấn mạnh, tầm quan trọng của AI trong phát triển nông nghiệp hiện đại là không thể phủ nhận. Sử dụng AI có thể giúp nông dân tăng cường năng suất và giảm chi phí sản xuất. AI có thể giúp nông dân dự đoán và phòng tránh các rủi ro, từ khí hậu đến dịch bệnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu lượng phân bón và thuốc trừ sâu, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, sử dụng AI còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Dẫn chứng về những ứng dụng robot tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ông Trần Quý cho hay, đó là robot có thể được sử dụng để gieo hạt và trồng cây, phun thuốc trừ sâu và phân bón, tưới cây, giám sát và dự báo sản lượng cây trồng, quản lý theo dõi sức khỏe và dinh dưỡng của đàn gia súc… tự động. Robot có thể được sử dụng để thu hoạch các loại cây trồng như trái cây, rau củ và đậu.

Tuy nhiên, thách thức của việc ứng dụng AI trong nông nghiệp tại Việt Nam được ông Trần Quý chỉ ra là giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang cao. Để sử dụng được công nghệ mới, nông dân cần được đào tạo. Ngoài ra, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất công nghệ, Chính phủ và các tổ chức nông nghiệp để phát triển các ứng dụng AI thích hợp và phù hợp với điều kiện của người nông dân và nhu cầu của thị trường.

Đưa ra những nút thắt trong chuyển đổi số nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nhận thức và thể chế chuyển đổi số trong quản lý điều hành ứng dụng số trong nông nghiệp còn hạn chế. Nếu không có thể chế đi trước thì mọi ứng dụng không có tính chất bắt buộc thì sẽ không đi vào cuộc sống.

Hiện ngành nông nghiệp vẫn chưa xây dựng được kiến trúc dữ liệu ngành; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, về mã số vùng trồng, vùng nuôi cũng như dữ liệu các ngành hàng. Hạ tầng thiết bị còn phân tán. Hiện có quá nhiều phần mềm chưa có nhiều sự chia sẻ và kết nối dữ liệu, trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Để chuyển đổi số nói chung, ứng dụng AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp nói riêng đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, vấn đề đầu tiên là phải chuyển đổi nhận thức từ nông dân đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có những hướng dẫn quy định, quy trình sản xuất phải được vận hành bằng quy trình số. Đồng thời, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, củng cố an ninh mạng cũng như dữ liệu ngành.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm