Tri ân công đức của Đức Thánh Trần

Tiết mục biểu diễn múa rồng trong lễ hội đền Trần năm 2023. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Tiết mục biểu diễn múa rồng trong lễ hội đền Trần năm 2023. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Ngày 4/10 (tức 20/8 âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 723 năm Ngày hóa Đức Thánh Trần. Đây là chuỗi hoạt động nằm trong Lễ hội truyền thống đền Trần năm 2023.

Tri ân công đức của Đức Thánh Trần ảnh 1Lãnh đạo tỉnh Nam Định dâng hương tưởng niệm 723 năm ngày hóa Đức Thánh Trần. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Ông Trần Huy Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định cho biết, lễ dâng hương tưởng niệm 723 năm Ngày hóa Đức Thánh Trần không những có ý nghĩa ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, mà còn là dịp để tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công dựng và giữ nước.

Tri ân công đức của Đức Thánh Trần ảnh 2Tiết mục biểu diễn múa rồng trong lễ hội đền Trần năm 2023. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Sau nghi lễ dâng hương tưởng niệm anh linh các vị Vua Trần, Đức Thánh Trần, nhiều hoạt động đã được tổ chức như: lễ rước kiệu, lễ tế và phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống như hát chèo, hát văn, múa kiếm nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của nhà Trần và công lao của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông. Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra lễ hội, các tiết mục múa lân, múa sư tử, múa rồng; biểu diễn võ thuật; thi đấu vật; thi đấu cờ người; chọi gà; múa rối nước… sẽ được tổ chức.

Tri ân công đức của Đức Thánh Trần ảnh 3Biểu diễn múa võ trong lễ hội đền Trần năm 2023. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử, văn hóa đền Trần - Chùa Tháp cho biết, Lễ hội đền Trần năm nay diễn ra với quy mô rộng hơn, lớn hơn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi vương triều nhà Trần. Năm nay, lượng người dân và du khách thập phương về với Lễ hội đền Trần đông hơn mọi năm, Ban Tổ chức đã xây dựng, triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người dân khi tham gia lễ hội.

Tri ân công đức của Đức Thánh Trần ảnh 4Tiết mục biểu diễn múa sư tử trong lễ hội đền Trần năm 2023. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Để Lễ hội Đền Trần được diễn ra trang trọng, an toàn, Ban Tổ chức đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho cho từng đơn vị trong việc đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ tại Khu Di tích trong thời gian diễn ra lễ hội. Đồng thời, Ban Tổ chức xây dựng phương án tuyên truyền, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi đông người, chuẩn bị đủ số thuốc cấp cứu cần thiết và lực lượng túc trực tại đền Trần, chùa Tháp; đảm bảo công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với những hộ bán hàng ăn uống trong khu vực lễ hội; không để tình trạng người lang thang ăn xin xảy ra trong thời gian diễn ra lễ hội…

Đền Trần tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định là nơi thờ các vua Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần bao gồm ba công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Hằng năm, tại đây đều tổ chức Lễ hội đền Trần truyền thống vào dịp tháng 8 (âm lịch ) và Lễ hội Khai ấn đầu năm. Đây là hai lễ hội lớn tại Nam Định, thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về dự, dâng hương tưởng nhớ công đức của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Công Luật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm