Trên quê hương cách mạng ATK Định Hóa

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân xâm lược, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là nơi xây dựng An toàn khu (ATK). Tự hào với truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây đã không ngừng nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp…

3ATK.jpg
Trung tâm thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa ngày nay. Ảnh: Trần Trang

Huyện Định Hóa có dân số trên 106.000 người, trong đó hơn 73% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông... Với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, diện mạo ATK hôm nay đã đổi thay đáng kể.

9ATK.jpg
Đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện Định Hóa được đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Trần Trang

Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Định Hóa cho biết, phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất nông lâm nghiệp, huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, duy trì và phát triển các giống lúa đặc sản như: Bao Thai, J02…, các sản phẩm được chế biến từ gạo như: mỳ gạo Bao Thai, bún, phở, các loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc...

5ATK.jpg
Phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Trịnh Tú Anh ở xóm Hợp Thành, xã Trung Hội, huyện Định Hóa nuôi dê cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Trần Trang

Tận dụng diện tích rừng lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Định Hóa đã đẩy mạnh trồng quế, từng bước đưa quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Toàn huyện hiện có trên 4.150 ha quế, trong đó hơn 700 ha đến tuổi khai thác tỉa thưa. Ông Triệu Thanh Bình, một hộ dân có gần 7 ha quế ở xã Kim Phượng cho biết: “Cây quế có thể khai thác từ thân đến cành, lá. Với giá bán từ 1.500 - 1.800 đồng/kg cành và lá tươi, mỗi ha quế có thể cho thu nhập vài trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng keo trên cùng diện tích”.

7ATK.jpg
Quế là cây trồng mũi nhọn đem lại thu nhập cao cho người dân huyện Định Hóa. Ảnh: Trần Trang

Bên cạnh cây quế, Định Hóa còn phát triển mạnh cây chè với tổng diện tích trên 2.600 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 29.200 tấn/năm. Lĩnh vực chăn nuôi cũng phát triển mạnh với tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 12.000 tấn/năm… Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện đề án xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), nhờ sự chung tay của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc, ngày 29/7/2024, huyện Định Hóa đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 với 22/22 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Chợ Chu đạt chuẩn đô thị văn minh… Hiện tại, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt của huyện đạt khoảng 110 triệu đồng. Huyện có 15 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”).

2ATK.jpg
Người dân xã Sơn Phú, huyện Định Hóa hu hoạch chè. Ảnh: Trần Trang
12ATK.jpg
Du khách tham quan lán Tỉn Keo ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Ảnh: Trần Trang

Toàn huyện có 97,2% trường học đạt chuẩn quốc gia; 95% người dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh; hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư… Sự hình thành Cụm công nghiệp Tân Dương ở xã Tân Dương đã tạo “điểm nhấn” trên quê hương cách mạng ATK. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, môi trường nông thôn được cải thiện, trật tự, an toàn xã hội ổn định, tạo niềm tin để người dân Định Hóa đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, văn minh.

Trần Trang

(̣Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm