Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 31% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 128 ấp đặc biệt khó khăn. Đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giải ngân được trên 161 tỷ đồng trong kế hoạch năm là 384,5 tỷ đồng, đạt 41,87% kế hoạch.
Thực hiện Chương trình này, các địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số như thị xã Vĩnh Châu, Trần Đề, Châu Thành, Mỹ Tú đã xây dựng tổng cộng 85 công trình lộ giao thông, cầu giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng và mạng lưới chợ; 4 công trình cấp nước tập trung; duy tu bảo dưỡng 31 công trình cơ sở hạ tầng; xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 3 trường Phổ thông Dân tộc nội trú; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 423 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 387 hộ...
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong hơn 2 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của đồng bào đã cải thiện rõ rệt.
Riêng tại huyện Mỹ Tú, giai đoạn 2021 - 2023, địa phương này đã được phân bổ nguồn vốn trên 37,5 tỷ đồng thực hiện Chương trình. Từ nguồn vốn này, huyện đã giải ngân hỗ trợ 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 47 hộ và xây dựng hoàn thành 4 công trình giao thông nông thôn. Huyện đang triển khai xây dựng và duy tu 5 công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ 48 hộ chuyển đổi ngành nghề, cấp nước sinh hoạt phân tán cho 11 hộ và phê duyệt hỗ trợ đất ở cho 1 hộ, nhà ở cho 120 hộ.
Theo ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, thông qua Chương trình giảm nghèo, trong đó có phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2021, con em đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo khó khăn đã được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh ước giảm 13.929 hộ nghèo (tương đương giảm 4,19%), từ 22.409 hộ (bằng 6,73%) đầu nhiệm kỳ xuống còn 8.480 hộ (bằng 2,54% vào cuối năm 2023); trong đó hộ nghèo Khmer giảm bình quân từ 3-4%/năm, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh tập trung ưu tiên đào tạo nghề cho 45.710 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 là 63%, tăng 2,62% so với năm 2020, đạt 96,92% chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 29%, tăng 1,53% so với năm 2020, đạt 96,67% chỉ tiêu Nghị quyết…
Trung Hiếu