Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Việt Hưng, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn đầu tư may chế biến nhân hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, tổng vốn trên 20.000 tỷ đồng đã được đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai cả nước. Khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động tạo nên một bước đột phá về chế biến xuất khẩu nông sản. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người nông dân. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”; Ban hành Kế hoạch cơ cấu lại chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm có lợi thế thị trường và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, việc phát triển công nghiệp phụ trợ cũng sẽ được chú trọng để tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt đối với các phế phụ phẩm trong sản xuất như: trấu, cám, mật rỉ, bã mía, vỏ điều, vỏ tôm, thủy sản... để tạo ra các sản phẩm có giá trị cũng như bảo vệ môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà máy chế biến rau, quả, sản phẩm chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ hiện đại khởi công và đi vào hoạt động ngay trong năm 2019; trong đó, tập trung vào các nhà máy gia chế biến gia cầm, thịt bò, sữa... Chẳng hạn như dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng có quy mô đàn bò 20.000 con; Nhà máy chế biến gia cầm Viet Avis (liên kết giữa Tập đoàn Master Good và Công ty Phú Gia, Thanh Hóa)... Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách mới. Bộ cũng sẽ sớm hoàn thành xây dựng Đề án Cơ cấu lại ngành mía đường đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ông Việt cho hay. Cũng trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp nông lâm thủy sản thành lập mới là 1.634 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước lên 10.988 doanh nghiệp. Bên cạnh sự phát triển, đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông… đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bích Hồng