Xã Ea Dăh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk). hiện có trên 455 trẻ trong độ tuổi đến trường nhưng chỉ có 1 trường mẫu giáo và 6 điểm trường trực thuộc, trong đó có 3 điểm trường ở các thôn Giang Xuân, Giang Thanh, Giang Thành chưa có phòng học, học sinh phải học nhờ tại hội trường thôn nên không bảo đảm được tiêu chuẩn dạy và học. Ngoài mấy chiếc ghế để ngồi thì các em không có đồ dùng học tập, đồ chơi hay không gian tổ chức các tiết học ngoài trời. Thậm chí cả nước sạch và nhà vệ sinh cũng không có.
Lớp học nhờ hội trường thôn của trẻ em thôn Giang Xuân chỉ có mấy chiếc ghế. |
Ông Hà Văn Thiêm, Trưởng thôn Giang Xuân trăn trở: Ngoài những trẻ 5 tuổi được đến lớp thì trong thôn còn nhiều trẻ đã lên 3, lên 4 vẫn chưa được đi học, ở nhà không có người trông giữ nên bố mẹ đi làm đành phải mang theo. Do phải học nhờ nên nhiều hôm trong thôn hội họp, các em phải ở nhà vì không có phòng học. Chị Dương Thị Dẫn có con đang theo học tại điểm trường thôn Giang Xuân cũng than thở: Không chỉ thiếu phòng học, dụng cụ phục vụ học tập và sinh hoạt, trẻ mầm non trong thôn giờ chỉ được học buổi sáng do thiếu giáo viên, buổi chiều các em phải theo bố mẹ lên nương rẫy.
Theo bà Đinh Thị Kim Tuấn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Cúc Trắng, hiện toàn xã Ea Dăh có 7 điểm trường với 11 lớp học, chỉ đáp ứng được nhu cầu đến lớp của 336 trẻ/445 trẻ trong độ tuổi mầm non trên địa bàn xã. Do hạn chế về cơ sở vật chất và giáo viên nên nhà trường phải ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi vào học để phổ cập cho các bé chuẩn bị vào lớp 1. Tại các điểm trường không có phòng học phải mượn hội trường thôn để dạy học là một sự thiệt thòi rất lớn đối với các em.
Chia sẻ những khó khăn này, bà Hồ Thị Hồng Trinh, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng cho biết, hằng năm Phòng đều tham mưu cho UBND huyện và đã có báo cáo, đề xuất lên Sở GD-ĐT về tình trạng thiếu phòng học ở bậc mầm non do nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu cơ sở vật chất còn diễn ra ở nhiều xã khác, hơn nữa nguồn ngân sách đầu tư không có nên các địa phương và trường mầm non ở xã đành tự huy động nguồn xã hội hóa hoặc kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức khác.
Trong khi ngành giáo dục đang chú trọng vấn đề nâng cao chất lượng nuôi dạy, chăm sóc trẻ bậc mầm non thì ở nhiều nơi các em còn phải đi học trong cảnh tạm bợ, điều kiện vật chất thiếu thốn. Người dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn chỉ mong sao nhận được sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các ngành chức năng để các cháu được nuôi dạy trong điều kiện thuận lợi nhất.
Khả Lê (Theo baodaklak.vn)
Báo Điện tử Đắk Lắk