Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu

Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Ngày 21/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV (giai đoạn 2015 - 2020). Có 296 tác phẩm của 140 tác giả chuyên và không chuyên hoạt động trên các lĩnh vực Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh Truyền hình, Văn nghệ Dân gian, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật và múa gửi dự giải. Kết quả xét chọn 51 giải, trong đó có 08 giải A, 16 giải B, 21 giải C và 6 giải cống hiến.

Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu ảnh 1 Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Đây là giải thưởng có quy mô lớn, mang giá trị và ý nghĩa trên lĩnh vực Văn học Nghệ thuật do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức định kỳ 5 năm một lần, nhằm tôn vinh các cá nhân, văn nghệ sĩ đã có nhiều cống hiển, sáng tạo cho hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh; đồng thời xét trao tặng giải thưởng cho các tác phẩm Văn học Nghệ thuật có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật phản ánh về lịch sử, văn hóa, quê hương, con người Đồng Tháp trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển ngày nay.

Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu ảnh 2Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu thứ IV. Ảnh: Nguyễn Văn Trí -TTXVN

Ông Trần Tấn Lực - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, Phó trưởng ban Tổ chức giải cho biết, hầu hết các tác phẩm đoạt giải lần này có chất lượng khá tốt, phản ánh khá rõ nét hình ảnh quê hương, con người Đồng Tháp qua các thời kỳ nhất là thời kì đổi mới, hội nhập và phát triển. Các tác giả đã có sự tìm tòi sáng tạo, bám sát chủ đề “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; về quê hương, con người Đồng Tháp và các chủ đề trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Đề án tạo dựng hình ảnh địa phương, Đề án phát triển Du lịch… Bên cạnh những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng như hồi ký “Đổi đời”; vọng cổ “Sáng ngời gương chiến sĩ”, thơ “Huyền khúc Đồng Tháp Mười”; Kịch dài “Người cận vệ”, còn có những tác phẩm về đề tài xây dựng quê hương, ca ngợi thiên nhiên con người Đồng Tháp (tập thơ “Tôi em và sen”, truyện ngắn “Gió thổi sau hè”; “Miền đất lở”, ca khúc Tháp Mười trong tôi, Tân Hồng vùng đất hứa...) và nhiều tác phẩm ca ngợi những cá nhân điển hình, những tấm gương tiêu biểu trong lao động, hoạt động văn học nghệ thuật cần được nhân rộng như: Phim tài liệu “Nguyễn Vĩnh Bảo - giai điệu cuộc đời”; Cô Năm Vạn, Trần Bích - Người kể chuyện đời sen…

Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu ảnh 3Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu trao giải A cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Giải thưởng Nguyễn Quang Diêu lần này có một số tác phẩm tiêu biểu như: Tập thơ “Tôi, em và sen” của nhà thơ Hữu Nhân, lời thơ, hồn thơ giàu cảm xúc và hình tượng, thể hiện lòng tự hào về quê hương đất nước đặc biệt là vùng đất sen hồng Đồng Tháp.

Hồi ký tiêu biểu có tác phẩm “Đổi đời” của tác giả Nguyễn Trọng Quý phản ánh được tinh thần của hai cuộc kháng chiến tỉnh Đồng Tháp, khắc họa được cốt cách của một nhân vật lãnh đạo chủ chốt không chỉ của Đồng Tháp mà còn cả một vùng đất. Truyện ngắn “Miền đất lở” của tác giả Thanh Bình cho ta thấy thêm yêu con người, thương những người mẹ, người chị hiền như đất, dạt dào yêu thương.

Kịch bản Điện ảnh tiêu biểu với tác phẩm “Miền xanh” của nhà văn Nguyễn Phước Thảo giúp chúng ta thêm yêu con người và cảnh vật sông nước mênh mông Đồng Tháp đồng thời tác phẩm còn mang tính giáo dục rất cao về tinh thần tự học, tôn trọng tình cảm thầy trò, tình bạn trong sáng, cao quý.

Kịch dài có tác phẩm “Người cận vệ” của nghệ sĩ, Tác giả Thanh Hà không chỉ tri ân lòng yêu nước, tinh thần trung kiên của các bậc tiền nhân, mà còn có điều kiện tiếp cận những kiến thức phong phú về võ học, y học, văn hóa Phật giáo.

Công trình nghiên cứu về “Đình làng Nam Bộ và tục thờ Thần Nông – nhìn từ Đồng Tháp của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu và tác giả Lê Thành Thuận là tác phẩm có giá trị bảo tồn văn hóa truyền thống của dân cư Đồng tháp thông qua việc thờ cúng thần nông.

Xét về Giải cống hiến về văn học nghệ thuật được Ban Tổ chức chọn những nghệ sĩ tiêu biểu có sự đóng góp lớn cho sự hình thành và phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển ngày nay. Tiêu biểu như: Nhà văn nghiên cứu Văn nghệ dân gian Nguyễn Hữu Hiếu, Nhà thơ Nguyễn Khắc Thận (Lý Thuận Khanh), Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Văn Tổng (Thanh Tùng), Nhạc sĩ Phạm Văn Khiêm (Phạm Khiêm), Nhạc sĩ Đặng Văn Hoàng, Tác giả Nguyễn Long Trảo.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm