Năm qua, cũng đánh dấu những bước đi vượt bậc của trái cây Việt Nam khi đã mở cửa được nhiều thị trường khó tính, đặc biệt là các nền kinh tế lớn tham gia TPP như Mỹ, Nhật Bản và Australia. Với TPP cũng như nhiều Hiệp định thương mại tự do được thực thi, trái cây Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội "vàng" ra sao, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này.Phóng viên: Để xuất khẩu được rau quả, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Xin ông cho biết, công tác này đang được ngành triển khai như thế nào? Ông Nguyễn Xuân Hồng: Những thị trường chiến lược nhất của rau quả Việt Nam là EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Chẳng hạn, Việt Nam và Trung Quốc vẫn có sự giao lưu bình thường, tuy nhiên vẫn còn những sản phẩm Việt Nam chưa xuất khẩu được sang thị trường này và vẫn có những vấn đề cần đàm phán như kiểm dịch thực vật. Bên cạnh đó, Cục phải hướng dẫn doanh nghiệp biết được những thị trường đó yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm như thế nào. Bởi nếu doanh nghiệp không biết, sẽ bị các nước trả hàng về.
|
Chính bởi vậy, ngành sẽ tổ chức tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp, phối hợp tốt với các tham tán thương mại ở các nước để tháo gỡ khó khăn. Nếu các nước nhập khẩu sử dụng hàng rào kỹ thuật như kiểm dịch không phù hợp với thông lệ quốc tế thì cần phải có ý kiến để bảo vệ doanh nghiệp. Đồng thời, áp dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ người tiêu dùng trong nước như hàng rào an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, không để các đối tượng dịch hại ở Việt Nam không có nhưng bị xâm nhập vào. Đó là trách nhiệm của ngành bảo vệ thực vật. Năm nay, trách nhiệm của ngành là siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.Phóng viên: Vậy ngành đã có kế hoạch cụ thể như thế nào trong việc siết chặt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật? Ông Nguyễn Xuân Hồng: Giảm được thuốc bảo vệ thực vật không chỉ giảm chi phí mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh khi giảm được nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, thực hiện đề án phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là rất quan trọng. Tức là dùng biện pháp sinh học để không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc là dùng thuốc ở mức độ rất ít. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cắt giảm được 50% chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Rau quả Việt Nam xuất khẩu sang các nước còn 2 hàng rào kỹ thuật: một là an toàn thực phẩm, hai là kiểm dịch thực vật. Nếu vượt qua được hai hàng rào này thì có khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Mỗi nước đều có một danh mục về đối tượng kiểm dịch thực vật. Do đó, các nước đều kiểm dịch thực vật rất chặt. Đối với an toàn thực phẩm còn có mức tồn dư cho phép nhưng kiểm dịch thực vật thì dù chỉ có một con thuộc đối tượng kiểm dịch cũng không được.Phóng viên: Rau quả được coi là là mặt hàng có lợi thế trong TPP. Với các nước trong TPP, ông đánh giá thế nào về mức độ khó trong kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm? Ông Nguyễn Xuân Hồng: Trong các thị trường chính, chiến lược của mặt hàng rau quả Việt Nam đều có Mỹ, Nhật Bản, Australia… Trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu sang đó rất nhiều như: thanh long, xoài, vải, nhãn… Thị trường đã mở, vấn đề là làm sao Việt Nam phát triển sản xuất tốt, tổ chức sản xuất là rất quan trọng. Đồng thời làm thế nào để sản xuất được nhiều để gia tăng xuất khẩu nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Năm nay, các thị trường xuất khẩu về trái cây vẫn rất rộng mở đối với Việt Nam. Trên thế giới, trái cây Việt Nam có chất lượng rất tốt và độc đáo, có nhiều sản phẩm dường như chỉ ở Việt Nam mới có và ngon như: nhãn, xoài, thanh long… Vấn đề còn lại là tổ chức sản xuất để đáp ứng được cả số lượng và an toàn thực phẩm.Phóng viên: Với sự kiểm tra khắt khe của các thị trường như vậy, ông có khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu mặt hàng này? Ông Nguyễn Xuân Hồng: Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu thí điểm rất thành công nhiều mặt hàng và đặc biệt là sang các thị trường khó tính. Doanh nghiệp cứ theo nếp đó mà làm nhưng phải có sự giám sát rất chặt chẽ. Riêng về kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật đã hỗ trợ được các đơn vị trong việc chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng… và cơ bản là yên tâm. Quan trọng nhất cần lưu ý là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thực hành nông nghiệp tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đã có những mô hình làm tốt, nay chúng ta chỉ nhân rộng và tổ chức sản xuất. Những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân tiếp tục phải được nhân rộng. Doanh nghiệp không chỉ cần hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân mà các doanh nghiệp cũng phải hợp tác với nhau. Nếu các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau bằng cách cố gắng hạ giá, bán các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu sẽ làm mất uy tín của sản phẩm nước ta. Nếu mang đối tượng kiểm dịch sang các nước, không được kiểm tra chặt chẽ thì khi các nước ngừng nhập khẩu sẽ ngừng cả nước chứ không chỉ ngừng một doanh nghiệp. Chỉ cần một doanh nghiệp làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến toàn thể doanh nghiệp làm tốt. Bởi vậy, Cục sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt việc này. Việc kiểm tra chặt trong xuất khẩu không phải là gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà đó chính là tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính phát triển.Phóng viên: Xin cảm ơn ông!