Khẩn trương xử lý lợn chết do dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN |
Theo bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, sáng 3/6, nhận được tin báo đàn lợn của gia đình bà Lê Hồng Dân bị bệnh chết 6 con trong tổng đàn 17 con, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương lấy 4 mẫu xét nghiệm gởi Chi cục Thú y Vùng VII. Kết quả của Chi cục Thú y Vùng VII cho thấy, 4/4 mẫu xét nghiệm đều phát hiện vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi phát hiện đàn lợn trên bị nhiễm dịch bệnh, lực lượng chức năng tỉnh Trà Vinh lập tức tiêu hủy toàn bộ số lượng lợn còn lại của hộ Lê Hồng Dân; đồng thời tiến hành khoanh vùng, cách ly, vệ sinh tiêu độc khử trùng tại vùng dịch đúng quy định. Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương tăng cường lực lượng, tập trung đồng bộ các giải pháp khống chế dịch bệnh, tránh lây lan diện rộng; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi. Đối với địa bàn xảy ra ổ dịch, lực lượng chức năng thành lập các chốt chặn kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn, sản phẩm lợn đông lạnh, nghiêm cấm mua bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch. Lực lượng thú y tỉnh hướng dẫn hộ chăn nuôi ở vùng dịch và các hộ chăn nuôi nghi có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi phương pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng đúng cách; kiểm soát nguồn thức ăn cho lợn; khi phát hiện lợn có dấu hiệu bị bệnh phải báo ngay với cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương và chấp hành nghiêm hướng dẫn xử lý dịch bệnh của cơ quan thú y. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, địa phương giám sát việc chôn lấp, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh đảm bảo an toàn, tránh gây ô nhiễm sau khi tiêu hủy. Ngành nông nghiệp phối hợp với ngành công thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo đúng quy định. Tỉnh Trà Vinh có tổng đàn lợn gần 250.000 con. Do đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, thêm nữa bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh mới, chưa có vắc xin phòng bệnh, lại lây lan nhanh nên việc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị nên lợn mắc bệnh này khả năng chết lên đến 100%, gây thiệt hại lớn đến người chăn nuôi. Như vậy, tính đến ngày 4/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 53 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lượng lợn nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy là gần 2,2 triệu con.
Thanh Hòa