Đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa đông xuân ở cánh đồng lớn huyện Càng Long (Trà Vinh). Ảnh: Huy Hoàng - TTXVN |
Ông Lê Hoàng Y, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh cho biết, sản xuất lúa theo công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh giảm tối thiểu 40% phân bón hóa học so với cách canh tác truyền thống nên lúa hàng hóa sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân. Mỗi vụ sản xuất lúa, tỉnh Trà Vinh có từ 10-13 mô hình cánh đồng lớn, trên tổng diện tích khoảng 3.500 ha; trong đó, huyện Tiểu Cần có diện tích tham gia cánh đồng lớn nhiều nhất tỉnh, với khoảng 1.200 ha. Thời gian tới, các hợp tác xã ở huyện Tiểu Cần sản xuất lúa ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh sẽ được doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất lúa theo công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh, và được bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Đến nay, đã có 2 hợp tác xã đăng kí tham gia mô hình trên tổng diện tích 100 ha. Tỉnh Trà Vinh hiện có 123 hợp tác xã với tổng vốn điều lệ hơn 139 tỷ đồng; trong đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm hơn 58%. Tỉnh đang tập trung nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác, đặc biệt là các hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp. Liên minh Hợp tác xã phối hợp cùng các ngành liên quan, các địa phương thắt chặt mối liên kết “4 nhà”, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm tìm thị trường bền vững cho hàng nông sản ở địa phương.
Thanh Hòa