Tỉnh Trà Vinh có hơn 300.000 người Khmer, chiếm hơn 31,5% dân số. Cùng với việc ưu tiên nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí, Trà Vinh luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer
Hàng năm vào dịp hè, hầu hết các chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Trà Vinh đều tổ chức các lớp dạy chữ Khmer, thu hút đông đảo học sinh, con em người Khmer ở địa phương tham gia. Hoạt động này vừa góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa giúp các em học sinh Khmer có thêm sân chơi bổ ích, thiết thực dịp hè.
Các lớp học thường kéo dài khoảng 2 tháng, mỗi tháng các em được nghỉ 4 ngày (những ngày phật tử vào chùa thọ giới). Trước khi kết thúc, các em được tổ chức thi và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học, chứng nhận lên lớp để tiếp tục học vào hè năm sau.
Em Thạch Minh Thắng, học sinh lớp 7 Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai (phường 8, thành phố Trà Vinh) cho biết, đây là kỳ nghỉ hè thứ 3 em tham gia lớp học chữ Khmer tại chùa Âng (phường 8, thành phố Trà Vinh). Em trai của Thắng (học sinh lớp 5) cũng đang theo học chữ tại chùa này trong dịp hè. Lớp học diễn ra ngày 2 buổi, sáng từ 7-9 giờ, chiều từ 14-16 giờ. Đến chùa, ngoài việc được dạy đọc, viết chữ Khmer, Thắng và em trai còn được các sư truyền dạy phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc.
Em Sơn Sóc Sô Phia, học sinh lớp 7 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở huyện Châu Thành đã có 4 kỳ học chữ Khmer tại chùa Âng (phường 8, thành phố Trà Vinh) vào các dịp hè. Em Sơn Sóc Sô Phia cho biết rất vui và tự hào khi học chữ Khmer, là tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Các sư dạy rất nhiệt tình, dễ hiểu và luôn tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ nên em Sơn Sóc Sô Phia rất thích đến lớp. Em sẽ tiếp tục tham gia các lớp học chữ Khmer này cho đến khi có thể giao tiếp, đọc, viết thành thạo chữ của dân tộc mình.
Tỉnh Trà Vinh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, hầu hết đều tổ chức dạy chữ Khmer dịp hè, với hơn 900 lớp, trên 800 sư sãi, Achar (người có uy tín trong đồng bào Khmer) thông thạo tiếng Khmer giảng dạy, thu hút hơn 20.000 học sinh theo học. Các lớp học này hoàn toàn miễn phí. Những vị sư sãi, Achar giảng dạy được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và được tỉnh hỗ trợ 35.000 đồng/tiết học.
Việc giảng dạy chữ Khmer tại các điểm chùa trở thành phong trào học tập mạnh mẽ trong cộng đồng người Khmer ở địa phương. Ngoài dạy chữ trong dịp hè, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đã đưa chương trình dạy chữ Khmer vào các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bình quân mỗi năm học, toàn tỉnh có trên 100 cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy chữ Khmer với hơn 800 lớp và 19.000 học sinh học. Riêng năm học 2023 - 2024, tỉnh có 125 trường học dạy tiếng Khmer cho gần 36.000 học sinh; trong đó, cấp Tiểu học có 80 trường, Trung học cơ sở có 41 trường, Trung học phổ thông có 4 trường.
Phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp
Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, Sư cả chùa Kom-Pong (phường 1, thành phố Trà Vinh) cho rằng, việc đưa tiếng Khmer vào giảng dạy tại các trường phổ thông, điểm chùa giúp con, em đồng bào hình thành, phát triển kỹ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ, mở rộng hiểu biết về văn hóa dân tộc của mình, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và trân trọng nguồn gốc, văn hóa truyền thống, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, nâng cao ý thức tự hào công dân Việt Nam.
Cùng với việc dạy chữ Khmer ở các trường phổ thông và dịp hè, Trà Vinh còn có Trường Đại học Trà Vinh là trường duy nhất cả nước đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer ở bậc đại học.
Hơn 10 năm nay, Trường Đại học Trà Vinh đã đào tạo đa ngành, đa cấp, cung cấp nguồn nhân lực dân tộc Khmer trí thức cho tỉnh và cả nước. Sinh viên theo học một số ngành được miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm trong và ngoài nước.
Đặc biệt, năm 2014, tỉnh Trà Vinh thành lập Trường Trung cấp Pali Khmer, với nhiều chế độ chính sách đặc thù. Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã tuyển sinh được 8 khóa, với tổng số 300 tăng sinh, học sinh. Tăng sinh, học sinh con em đồng bào Khmer học tại trường được đào tạo tổng hợp chương trình giáo dục thường xuyên, tiếng Pali, ngữ văn Khmer và giáo lý Phật giáo.
Hòa thượng Thạch Oai cho hay, việc thành lập trường Trung cấp Pali Khmer đã đáp ứng được nguyện vọng lớn nhất của các vị cao tăng, cán bộ lão thành cách mạng và đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Tăng sinh, sinh viên khi có bằng tốt nghiệp Trung cấp Pali Khmer sẽ đủ điều kiện học tiếp lên cao đẳng, đại học và học cấp cao hơn nữa, thậm chí đủ điều kiện du học lên Tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ, Sri Lanka…
Hòa thượng Thạch Oai khẳng định, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước cấp huyện hướng dẫn các trụ trì, chư tăng, phật tử Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân, chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thường xuyên nhắc nhở chư tăng, phật tử chăm lo học tập, lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; tích cực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.“Với truyền thống yêu nước của các dân tộc Kinh- Khmer- Hoa ở Trà Vinh, tinh thần đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, sự gắn kết giữa chính quyền và Phật giáo Nam tông Khmer, tỉnh Trà Vinh nhất định đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh”, Hòa thượng Thạch Oai tin tưởng.
Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, ngay từ khi tái lập tỉnh vào năm 1992, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về chương trình phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn ưu tiên nguồn lực, đầu tư nhiều công trình, dự án để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer địa phương.
Đến nay, tỉnh đã thành lập được 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Sa Dăm, 35 đội múa Chằn - Khỉ, 40 đội bóng chuyền dân tộc, 8 đội ghe Ngo. Đặc biệt, Trà Vinh có 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia thì có đến 4 di sản là lễ hội và nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer gồm: Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà, Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, Nghệ thuật Rô-Băm.
Bên cạnh đó, năm 1995, tỉnh Trà Vinh đã triển khai xây dựng Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer (phường 8, thành phố Trà Vinh). Đây là Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long; đến nay, đã sưu tầm, trưng bày trên 1.000 hiện vật phản ánh đời sống văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào Khmer.
Thanh Hòa